Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ, mấy ngày qua ông có nghe nhiều về lo lắng của GV trước thông tin sẽ thí điểm xóa biên chế GV của Bộ GD&ĐT. Đồng nghiệp, bạn bè của ông cũng trao đổi rất nhiều với ông về điều này.
“Tôi khá ngạc nhiên khi nghe đến việc sẽ thí điểm xóa biến chế GV trường phổ thông. Phần lớn các nước chỉ tự chủ đại học chứ không có nguyên tắc tự chủ phổ thông. GV đều thuộc biên chế nhà nước, hưởng lương của nhà nước” - theo GS Hạc.
GS Phạm Minh Hạc không tán thành nội dung xóa biên chế giáo viên |
Không tán thành và chưa thấy ai chia sẻ là đồng tình với nội dung này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, đây là một nội dung vô bổ.
“Nếu nói rằng xóa biên chế, thay hợp đồng để tăng năng lực cạnh tranh chuyên môn thì tôi thấy quả là lạ! Tôi không bao giờ có khái niệm này khi nói về môi trường giáo dục. Thậm chí từ “thi đua” cũng là phải hạn chế” - ông cho biết.
Với ông, giá trị của một người thầy và một môi trường giáo dục thực sự phải là người thầy có trách nhiệm dạy trẻ thành người, có lòng yêu trẻ, yêu nghề.
“Làm thầy nếu chỉ có chuyên môn giỏi thôi chưa đủ mà phải có tư cách, nhân cách. Giáo dục không nên cạnh tranh, lại càng không nên cạnh tranh bằng tiền. Điều đó rất sai lầm!”.
Đề cập đến việc đang có hai luồng ý kiến và các trường tư thục đang tỏ ý đồng tình để thúc đẩy sự phát triển của GV vốn đang rất cào bằng, người nào có thực lực sẽ được hưởng công xứng đáng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục tỏ ý không bằng lòng.
Nếu nói rằng đồng lương quyết định trách nhiệm, điều này theo ông không đúng hoàn toàn, chỉ đúng một phần nào đó. “Tiền lương có ảnh hưởng nhưng không quyết định đến việc dạy học. Nếu đi dạy chỉ vì đồng lương thì quá sai lầm. Lương chỉ là một phần để đảm bảo đời sống cho GV. Họ gắn bó với nghề bởi tình yêu nghề, yêu trẻ, trách nhiệm dạy trẻ tri thức và dạy trẻ thành người” - GS Hạc nói.
Theo GS Phạm Minh Hạc, các thầy cô giáo không nên quá lo lắng về điều này, bởi đây mới chỉ là đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Vấn đề này rất lớn, liên quan đến nhiều cơ quan khác như Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Nội vụ… “Vấn đề này Bộ GD&ĐT không có quyền quyết định mà chỉ có Thủ tướng mới là người quyết, điều này vượt quá thẩm quyền của Bộ GD&ĐT” - nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục khẳng định.