pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Xóa bỏ phân biệt về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế”
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì và chỉ đạo Hội nghị
Clip: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì và chỉ đạo Hội nghị
Chủ trì và chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao sự chủ động, bài bản của TƯ Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Đề án và triển khai thực hiện Hội nghị này. Đây là hoạt động rất quan trọng để sớm đưa Đề án được triển khai sâu rộng tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Các đề án của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội LHPN các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế. Đồng thời, thông qua phát triển kinh tế có tác động tích cực vào sự ổn định xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
Đây là những yếu tố xã hội cần thiết cho sự phát triển ổn định và bền vững của mỗi quốc gia, mà phụ nữ với thiên chức người mẹ, người vợ, có vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, việc triển khai các Đề án 01, Đề án 939 không chỉ là nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay gánh vác.
Cụ thể, Đề án 939 đã được triển khai một cách hệ thống, nhất quán, khoa học và linh hoạt ở cả cấp Trung ương và địa phương, giúp các cấp Hội và các ngành liên quan từng bước giải quyết được mục tiêu lan tỏa tinh thần quốc gia khởi nghiệp trong giới nữ. Với nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực, các cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp hàng năm với những chủ đề đa dạng, phong phú, được triển khai có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh/thành, với quy mô toàn quốc, đã có hơn 63 ngàn phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ khi triển khai Đề án đến nay.
Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, trong số hơn 29 ngàn Hợp tác xã trên toàn quốc, có khoảng 10% Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, trong đó, nhiều Hợp tác xã của phụ nữ đang khẳng định có nhiều ưu điểm, thế mạnh, đóng góp lớn trong sản xuất sản phẩm bản địa, chiếm 39% chủ thể sản phẩm OCOP, 80% lực lượng lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp là phụ nữ. Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng trên thực tế nhiều Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý quy mô còn nhỏ, chưa bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, còn thiếu tính liên kết, kết nối, sản phẩm chưa đạt chuẩn để xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Từ kinh nghiệm đã có trong triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", Phó Thủ tướng tin tưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với những nỗ lực và quyết tâm, sáng tạo hơn nữa, chủ trì triển khai thành công Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gợi ý 6 nhiệm vụ, công việc trọng tâm của trong năm 2023 và các năm tiếp theo để Đề án 01 sớm đi vào cuộc sống:
Thứ nhất, TƯ Hội LHPN Việt Nam, Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Đề án theo từng giai đoạn và hàng năm. Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham mưu cho cấp uỷ, Ủy ban nhân dân ban hành Đề án/Kế hoạch/chương trình cụ thể, phân công rõ người, rõ việc để thực hiện Đề án 01 bài bản, đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đồng chí chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát các định hướng, chủ trương của Đảng về hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt quan tâm mục tiêu "xóa bỏ phân biệt về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực" trong hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Là cơ quan chủ quản chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã theo Quyết định 1804, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các Bộ chủ quản các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ, bố trí kinh phí thực hiện Đề án 01, trước mắt bổ sung kinh phí thực hiện Đề án 01 trong năm 2023, cân đối phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ ba, Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương, cần dự kiến bố trí ngân sách trung hạn và hàng năm để thực hiện Đề án 01, lưu ý bổ sung ngân sách để các cấp Hội, các Bộ, ngành triển khai những nhiệm vụ ban đầu của Đề án trong năm 2023. Quan tâm chính sách thuế của khu vực kinh tế tập thể trong quá trình xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện cho các Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ có cơ hội phát triển bền vững.
Thứ tư, các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể; rà soát đánh giá nhu cầu nhân lực nữ, xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhân lực nữ phục vụ phát triển kinh tế tập thể; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hội nghị, diễn đàn, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực kinh tế tập thể.
Thứ năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch/đề án triển khai Đề án 01, thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án (ban hành trước tháng 5/2023). Quan tâm bố trí nguồn lực, ưu tiên lồng ghép vào các chương trình, đề án có liên quan nhằm tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện Đề án 01. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, địa phương, tạo điều kiện và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong triển khai Đề án.
Thứ sáu, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 01. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương hướng xử lý. Giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổng hợp tiến độ triển khai và báo cáo kết quả với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khuyến khích phụ nữ cả nước, thuộc mọi thành phần, mọi lĩnh vực, tích cực tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động năm 2023 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa"; tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, khát vọng, sáng tạo, đổi mới, tạo ra các thương hiệu bản địa Việt Nam mang tầm quốc tế; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng chương trình Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để cùng lan tỏa tinh thần Quốc gia khởi nghiệp.