Xóm trọ Long Biên trong đại dịch: “Chúng tôi cầm cự gần tháng nay, đuối lắm rồi”

Nguyễn Long
22/04/2020 - 06:15
Xóm trọ Long Biên trong đại dịch: “Chúng tôi cầm cự gần tháng nay, đuối lắm rồi”
Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) là một trong những nơi tập trung đông người nhập cư của Hà Nội. Họ chủ yếu sống bằng nghề lượm ve chai, cửu vạn, xe ôm, bốc hàng hoặc ra "chợ người" ai thuê gì làm nấy. Cách ly xã hội dài ngày kiến họ chẳng biết xoay trở ra sao.

Có quê mà chẳng dám về

Gần 3 tuần qua, hai bên ngõ nhỏ vào xóm trọ nghèo ở chân cầu Long Biên (Hà Nội), những chiếc xe đạp chở hàng nằm im lìm, những chiếc xe máy ngày thường chở trái cây thuê nay cũng bị xích vào gốc cây, phủ bạt. Hàng chục chiếc xe kéo tay chuyên chở hàng thuê trong chợ đầu mối Long Biên nay được gác lên tường rào, không ai ngó ngàng tới...

Đã hơn 3 tuần Hà Nội thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng (có hiệu lực từ ngày 1/4) để phòng, chống dịch Covid-19. Cũng kể từ ngày đó, cuộc sống của nhiều dân nghèo thành thị tại Thủ đô Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) được xem là một trong những nơi tập trung đông người nhập cư của Hà Nội. Những người dân trong xóm trọ này đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Những người nơi đây chủ yếu sống bằng nghề lượm ve chai, cửu vạn, xe ôm, bốc hàng hoặc ra "chợ người" ai thuê gì làm nấy. Công việc thức đêm mò hôm kiếm được tiền ngày nào xào ngày ấy. Vì vậy, khi thực hiện cách ly xã hội dài ngày, họ chẳng biết sẽ bấu víu vào đâu.

Xóm nhập cư trong ngày đại dịch: “Chúng tôi cầm cự gần tháng nay, đuối lắm rồi” - Ảnh 1.

Xóm trọ nghèo sau chợ Long Biên trong những ngày dịch Covid-19

Xóm trọ những ngày cách ly đông đúc hơn thường ngày. Tiếng nói chuyện vọng từ nhà này qua nhà khác khiến không khí trong khu luôn náo nhiệt. Ai ai cũng bàn tán về dịch bệnh với những diễn biến phức tạp. Đã nhiều ngày nay, bà Trần Thị Ba (73 tuổi, quê Nam Định) không thể rời khỏi căn nhà trọ 10 mét vuông ngập ngụa rác. Thường ngày, bà Ba đi nhặt rác quanh thành phố để kiếm sống. Do dịch bệnh, không ai thu mua, rác nhặt được bà phải mang về tích ở trong nhà. Bà bảo, trước đây khi chưa có lệnh cách ly xã hội, mỗi ngày đi nhặt rác cũng được 100.000 đồng, thi thoảng có người thương tình cho thêm chút tiền lẻ nên cũng đủ ăn, đủ tiền nhà trọ. Nửa tháng nay không làm gì ra tiền rồi. Ngày nào không đi nhặt rác thì xác định ngày đó chỉ có nhịn đói.

Một tuần trước, bà Ba nghe nhiều người nói ở phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) phát gạo miễn phí cho người nghèo. Không có xe đạp trong khi phương tiện công cộng cũng không hoạt động. Vậy là bà dậy sớm đi bộ gần chục cây số đến xếp hàng nhận gạo. Tiền không có, bữa ăn của bà cùng người con trai tâm thần chỉ là cơm trắng với đĩa rau luộc. Bà Ba kể, nhiều hôm con trai bỏ ăn, thương con, bà đành ra chợ xin cá ươn mà các tiểu thương không bán được mang về nấu cho con ăn. "Năm nay nó gần 40 tuổi đầu rồi mà cứ ngẩn ngơ như đứa trẻ lên 5. Không biết sau này tôi chết đi thì nó sẽ sống ra sao đây", đôi bàn tay bà Ba vừa đan chặt vào nhau, hai môi mím chặt rồi thở dài khi nhắc về người con trai mắc bệnh tâm thần.

Xóm nhập cư trong ngày đại dịch: “Chúng tôi cầm cự gần tháng nay, đuối lắm rồi” - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Ba quanh quẩn với căn nhà trọ của mình từ ngày cách ly xã hội

Trước thời điểm cách ly toàn xã hội vì dịch Covid-19, một số lao động tự do mất việc đã nhanh chóng trở về quê. Nhiều người trong số họ vẫn cố gắng bám trụ ở Hà Nội với hy vọng "kiếm được đồng nào hay đồng ấy".

18 ngày nay, anh Công (quê Nam Định) chỉ biết quanh quẩn tại xóm trọ, chờ đợi thông tin chợ mở cửa để quay lại công việc. Vốn buôn bán nhỏ tại chợ nhưng mặt hàng lại không phải thực phẩm thiết yếu nên từ khi cách ly xã hội đến nay anh chỉ ở phòng nằm chờ. Không đi đâu ngoài khu trọ, không có việc làm, gia đình anh phải vay lãi để chi tiêu hằng ngày. Anh Công thấy mình đang mắc kẹt trong gánh nặng cơm áo. Nếu tình trạng này kéo dài không biết món nợ sẽ ra sao. "Có quê mà chẳng dám về, sợ bị đưa đi cách ly, ảnh hưởng đến gia đình ở quê. Mà giờ về cũng không còn xe khách nào chạy để về. Là thành viên trụ cột gia đình, chưa bao giờ tôi thấy gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đè lên vai nặng như lúc này. Chỉ mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn. Chúng tôi cầm cự ở thành phố gần tháng nay, đuối lắm rồi", anh Công nói.

Rảnh rỗi không có gì làm, đầu giờ chiều, chị Hoài (quê Vĩnh Phúc) đem chiếc xe đẩy ra sửa chữa những chỗ đã hỏng. Vừa làm chị vừa kể, 5 năm nay cả gia đình chị trông cậy vào chiếc xe này, ở quê nhà chị còn 2 bố mẹ già và người con nhỏ. Công việc chở hàng thuê trong chợ Long Biên của chị thường diễn ra từ 21h tối đến 6h sáng hôm sau. Quần quật cả đêm cũng chỉ được mấy triệu mỗi tháng. Đóng tiền phòng, tiền bãi xe, rồi ăn uống xong, chị chẳng còn bao nhiêu để gửi về quê cho con. "Nhiều lúc mệt mỏi, muốn về quê ôm con mà cũng đành chịu. Không đi đâu quá khu trọ được. Không kiếm ra tiền, hằng ngày ăn uống, tiền điện nước, phòng trọ đến mấy triệu đồng đau đầu lắm", chị Hoài nói.

Chỉ mong chủ nhà giảm cho chút tiền phòng

Bà Như Thị Bình (81 tuổi, quê Bắc Ninh), người đã có gần 20 năm sinh sống tại xóm trọ nghèo chân cầu Long Biên kể, cả khu trọ này có hàng trăm người ở với đủ mức giá thuê trọ khác nhau, từ phòng 500.000đ đến 2.000.000đ/tháng. Gọi là phòng trọ cho "sang mồm", thực chất ở đây chỉ là những "túp lều" dựng tạm để che nắng, che mưa. Phòng nào "sang" thì có chiếc tivi, mấy tấm phản gỗ với vài cái chăn, gối cũ. Ở đây chủ yếu là người già, không nơi nương tựa đến thuê. Hoàn cảnh của các cụ ai cũng éo le, bi đát. 

Kể về cái duyên đưa đẩy đến khu xóm trọ nghèo này, giọng trầm ngâm, bà Bình nói, thời niên thiếu bà cũng là người có nhan sắc. Năm ngoài 20 tuổi, bà nên duyên với chàng bộ đội người miền Nam, hai vợ chồng chung sống hạnh phúc, sinh được 1 người con. Thế nhưng, trong một trận mưa bom trút xuống Hà Nội, bà Bình đã mãi mãi mất đi người con trai đầu lòng. Chồng bà sau đó tiếp tục tham gia quân ngũ nhưng kể từ đó đến nay cũng không rõ tung tích. Chiến tranh kết thúc, con mất, chồng không tung tích, bà Bình đi buôn bán nhiều nơi rồi chuyển về khu chợ Long Biên bán nước chè...

Xóm trọ Long Biên trong đại dịch: “Chúng tôi cầm cự gần tháng nay, đuối lắm rồi” - Ảnh 3.

Nhắc về dịch Covid-19, bà Bình không khỏi ngán ngẩm, bởi gần 20 ngày qua bà phải nghỉ việc bán nước ngoài chợ Long Biên. Cũng gần 20 ngày qua, bà Bình cùng nhiều bà khác trong xóm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như mạnh thường quân. Tuy nhiên, cuộc sống của các bà vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vừa đóng gần 1 triệu tiền nhà, bà Lê Thị Hân (quê Hưng Yên) ngồi bệt dựa lưng vào vách nhà trọ, dáng vẻ bần thần như người mất hồn. Bà kể, đã lên Hà Nội được 7 năm và làm công việc bốc hoa quả ở chợ Long Biên. Thời điểm trước dịch Covid-19, mỗi ngày bốc hàng thuê kiếm được 100.000-200.000đ. Kể từ thời điểm có dịch đến nay, chợ đóng cửa nên thu nhập của bà coi như bằng 0. Theo bà, ở đây vất vả, khổ sở nhưng cố chịu đựng để bám trụ. Chỉ sợ về quê nhỡ chợ mở cửa trở lại họ thuê người khác là mất chân bốc hàng. "Giờ tôi chỉ mong sao dịch sớm qua đi để mọi người trở về cuộc sống bình thường", bà Hân nói.

Mấy hôm nay tôi phải đi bộ gần 10km để xếp hàng nhận gạo cứu trợ ăn hàng ngày. Từ ngày phải ở nhà đến nay không làm gì ra tiền nên cũng khó khăn, giờ chỉ sống nhờ vào số gạo cứu trợ thôi. Chỉ mong dịch sớm qua để còn đi nhặt ve chai kiếm tiền mua chút thịt cho con trai ăn. Lâu rồi chưa có nó thèm lắm”. Bà Trần Thị Ba (quê Nam Định, sống tại xóm trọ chân cầu Long Biên, Hà Nội

Bà Hân mong muốn trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, chủ nhà trọ có thể giảm cho chút tiền phòng. Chứ thế này thì bế tắc quá, tiền cũng chẳng có mà ăn. "Tối nay xem nhà còn cái gì thì ăn nốt, ăn xong thì uống thêm nước cho no. Ngày mai đi nghe ngóng xem có điểm nào phát cơm từ thiện thì đến. Hôm trước, có bác xe ôm nhắn ở Phủ Doãn có điểm phát cơm từ thiện. Thế là tôi được mấy ngày no", bà Hân nói.

Xế chiều, xóm trọ nghèo nối với chợ Long Biên có tiếng ọt ẹt của xe cải tiến. Nhiều người nhận ra đó là hình ảnh cụ Thắm (90 tuổi) đi nhặt rác về. Cụ Thắm cho biết, cụ không lấy chồng nên cũng không có con. Sống ở khu trọ này đã gần 20 năm. Hàng ngày cụ cũng đi nhặt ve chai như những người khác. "Mấy hôm nay ngày nào cũng chỉ ăn mỳ tôm, hôm nay tôi liều kéo xe ra loanh quanh đây để nhặt rác, xem có ai cho đồng nào không thì để mua cái bánh hoặc mua cân gạo về nấu cơm. Chứ ăn mỳ tôm mấy ngày liền xót ruột quá", cụ Thắm trải lòng.

Nỗi lo về "cơm áo gạo tiền" chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm tí những người đến thuê trọ tại đây. Cả đời lao động vất vả, đôi mắt đã mờ nhòe, bàn tay chai sạn. Thế nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn cứ đeo bám họ đến tận cuối đời...

Nhiều điểm cấp phát lương thực, thực phẩm miễn phí trong mùa dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố

Tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác đang có các điểm phát lương thực, thực phẩm, ATM gạo miễn phí, để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid 19 gây ra. Danh sách dưới đây giúp những người cần giúp đỡ lựa chọn địa điểm gần nhất nhận hỗ trợ, tránh tình trạng quá tải ở một số điểm cấp phát. Đồng thời, đây cũng là những địa chỉ để người có hoàn cảnh tốt hơn có thể quyên góp lương thực, thực phẩm đến các điểm cấp phát gần nhất, cùng đồng hành với các mạnh thường quân chia sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước trong mục tiêu hỗ trợ mọi người dân để "không ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng, Chính phủ.

Lưu ý khi đến nhận hoặc hỗ trợ lương thực, thực phẩm:

- Tuân thủ các quy định phòng dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m...

- Tự giác tuân thủ các quy định của điểm cấp phát lương thực, thực phẩm

- Không chen lấn, xô đẩy, vi phạm các quy định phòng dịch.

- Luôn nhớ khẩu hiệu: "Nếu bạn cần, hãy đến lấy. Nếu bạn ổn, hãy nhường cho người khác".

(Truy cập https://phunuvietnam.vn/danh-sach-nhung-diem-cap-phat-luong-thuc-thuc-pham-mien-phi-trong-mua-dich-covid-19-tai-cac-tinh-thanh-pho-20200418143007234.htm để có thông tin chi tiết danh sách và địa điểm cấp phát lương thực, thực phẩm miễn phí tại các tỉnh, thành phố)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm