pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xử phạt nghiêm nếu không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi đi ô tô cá nhân
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em trên xe ô tô cá nhân
Trung tâm Tư vấn Sức khoẻ và Phát triển Cộng đồng (CHD) là đơn vị phối hợp thực hiện.
Toạ đàm nhằm cung cấp cho đại biểu Quốc hội thông tin về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông và thảo luận, đề xuất các quy định về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của các đại biểu Thường trực Ủy ban và một số Đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Vụ Văn hóa, Giáo dục; các Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Tọa đàm tập trung một số nội dung chính như: Thực trạng sử dụng dây an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô và thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông; Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình bảo vệ an toàn cho trẻ em tham gia giao thông: Chương trình mũ bảo hiểm cho trẻ em trong trường học; Mô hình trường học an toàn bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông; Dự án "Tăng cường truyền thông sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em và thắt dây an toàn trên xe ô tô; Thảo luận, đề xuất các quy định bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo đánh giá sơ bộ có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ô tô (thống kê báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia năm 2019, 2020, 2021). Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô mỗi năm. Trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ em, quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tham luận, đề xuất về việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi đi xe ô tô cá nhân với các nội dung như: Rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định về đội mũ bảo hiểm trẻ em, nhất là đội mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tăng cường thực thi pháp luật với việc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không đúng cách. Đẩy mạnh việc quản lý sản xuất, kinh doanh và theo dõi chất lượng sản phẩm mũ bảo hiểm, nhất là mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Nhiều đại biểu cho rằng cần tích cực tuyên truyền và vận động người dân thay đổi nhận thức và sự cần thiết của việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông. Đồng thời, thực hiện xử phạt nghiêm minh nếu người dân không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô con cá nhân.
Trong dự thảo Luật (Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ ) nêu rõ:
- Trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em.
- Trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế của người lái xe.
- Xe ô tô cá nhân phải có các thiết kế thông dụng để lắp đặt sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em (Luật Đường bộ).
- Bổ sung mức xử phạt trong Nghị định, với mức phạt ít nhất từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng với hành vi không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp khi chở trẻ em trên xe ô tô con cá nhân nhằm bảo đảm mức phạt cao hơn 2-3 lần so với việc tuân thủ (mua và sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe).