pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xúc động và thêm tin yêu cuộc sống từ câu chuyện của những bà mẹ sinh non
Chị Hương, chị Phượng và chị Huệ - 3 bà mẹ có con sinh non cùng MC của chương trình "Trạm yêu thương"
Ngày con ra đời không chỉ đem theo nhiều hạnh phúc, vui sướng mà còn là cả sự vất vả, lo toan của bố mẹ để đồng hành cùng con. Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, nuôi một đứa trẻ sinh non còn khó đến thế nào?
Đó là giây phút định mệnh phải mổ "bắt con" khi đứa bé chưa đủ tuần, đủ tháng; là những ngày tháng thấp thỏm cùng con bên lồng ấp và biết bao loại dây rợ truyền dinh dưỡng cho một đứa bé không thể tự hô hấp hay ăn uống; là nguy cơ nhiễm trùng rất cao; là những lời cảnh báo của bác sĩ "gia đình cần luôn chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất" …
Hành trình đầu tiên của những ông bố, bà mẹ và những đứa trẻ ấy thật nhiều vất vả, nước mắt và cả nghị lực phi thường, bởi với một đứa trẻ sinh non, dù khi được đón về nhà để nuôi thì: tăng 1 lạng cũng khó, biết thêm một kỹ năng mới như trẻ bình thường cũng thật khó nhưng lại vô cùng dễ ốm…
Trong chương trình Trạm yêu thương số đầu tiên với chủ đề Ngày con chào đời vừa lên sóng VTV1 vào ngày đầu tiên của năm mới 2022, khán giả truyền hình không khỏi xúc động với câu chuyện của các vị khách mời là 3 bà mẹ có con sinh non.
Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng câu chuyện về hành trình đồng hành của họ với những đứa bé đặc biệt có thể khiến mỗi chúng ta có thêm nhiều niềm tin hơn trong cuộc sống, để những ông bố, bà mẹ đang nuôi con trong lồng ấp có thêm nhiều nghị lực để đồng hành với những thiên thần nhỏ của mình.
Người mẹ đầu tiên là mẹ Hương - mẹ của bé Kang 29 tháng, khi sinh ra chỉ có 9 lạng. Kang ngay từ khi trong bụng mẹ đã được bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu bất thường, nhưng bằng tất cả những gì mà một người mẹ có thể làm, mẹ Hương vẫn giữ Kang trong bụng cho đến ngày phải mổ cấp cứu để đưa Kang ra ngoài khi chưa tròn 1 kg.
Tiếp theo là mẹ Phượng - mẹ của bé Bư 29 tháng, khi sinh ra chỉ có 1,3 kg. Bư ra đời sớm hoàn toàn là bất ngờ bởi trong 1 chuyến về quê, chị Phượng đột nhiên có dấu hiệu muốn sinh ở tuần thứ 31, khi ấy phổi của Bư còn chưa hoàn thiện. Chị Phượng chỉ kịp tiêm 1 mũi trưởng thành phổi rồi lên bàn phẫu thuật bắt con.
Đặc biệt, nhân vật chính của chương trình là gia đình mẹ Huệ, bố Thắng và bé Ốc Kiều Trang ở Quảng Ninh. Vợ chồng chị Huệ, anh Thắng lấy nhau 8 năm không có con. Anh chị thụ tinh nhân tạo mang thai 2 bé, nhưng 25 tuần mất 1 bé, 26 tuần sinh ra bé Ốc 480g - em bé sinh non nhỏ nhất Việt Nam khi ấy. Bố của Ốc đã gục xuống hành lang mà khóc, ai cũng đớn đau tột cùng vì lo cho em bé ngày ấy - 450g - liệu có thể sống?
Nhưng cả gia đình không một ai ngơi nghỉ sự cố gắng. Ông bà nội ngoại cả hai bên chẳng còn ai, hai vợ chồng phải ngày ngày vào viện thăm con, kích từng chút sữa để gửi vào… Trải qua những tháng ngày mòn mỏi, bé Ốc đã vượt qua những thử thách đầu tiên của cuộc đời, được về với vòng tay của bố mẹ. Được trở về nhà là lúc niềm vui tột cùng hòa với sự lo toan về kinh tế.
Chị Huệ phải ở hẳn nhà để chăm con, anh Thắng với đồng lương công nhân lo toan cho cả gia đình, không chỉ là sinh hoạt thường ngày mà còn là đủ thứ "đặc biệt" từ thuốc, sữa cho trẻ sinh non, hàng chục loại vitamin… và luôn sẵn sàng tinh thần cho những cơn sốt, viêm phổi ập đến khi thay đổi thời tiết của con.
Những ngày này, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, công ty của anh Thắng cho công nhân nghỉ việc vô thời hạn, thu nhập duy nhất của gia đình sẽ có thể mất đi. Nhưng chị Huệ vẫn lạc quan "Khó quá thì mình sẽ đi làm công nhân thời vụ để anh ấy ở nhà chăm con, kiếm đồng sữa cho Ốc. Ốc khỏe thì 2 bố mẹ sao cũng được!".
Bé Ốc của hiện tại vẫn chỉ có 6,5 kg dù đã hơn 15 tháng - một chỉ số khiến nhiều ông bố bà mẹ nuôi con nhỏ cảm thấy vô cùng lo lắng. Nhưng với chị Huệ - anh Thắng, chỉ cần con mạnh khỏe, hay nói hay nghịch là bố mẹ đã rất vui, rất hạnh phúc rồi. "Tất cả những khó khăn khác bố mẹ đều coi nó là nhẹ nhàng hết", anh chị chia sẻ.
Có thể nói, Trạm yêu thương số đầu tiên với chủ đề Ngày con ra đời đã chia sẻ nhiều câu chuyện làm lay động bất kỳ ai đang làm cha mẹ, đặc biệt là những người cha mẹ có con sinh non. Đó là niềm vui ánh lên mắt các bà mẹ khi nói về con của mình, đó là "sự thay đổi mặc nhiên" khi chúng ta lần đầu trở thành cha mẹ, đó là sự "sợ hãi lớn nhất trong cuộc đời" khi con tím tái và ngừng thở; đó là mong ước giản đơn với "4 chữ vàng – hoàn toàn bình thường" mà bố mẹ luôn mong nghe được từ bác sĩ.