2 bà chị sứt mẻ tình cảm sau khi làm mối cho em của mình

Thanh Tâm
29/04/2025 - 10:48
2 bà chị sứt mẻ tình cảm sau khi làm mối cho em của mình

Ảnh minh họa

2 bà chị thường xuyên khúc mắc với nhau, có lần cãi nhau to khi "buôn chuyện" tình yêu của các em.
Chị Thanh Tâm thân mến!

Em có hội bạn thân đại học. Em trai của bạn em lấy vợ, do không hợp tính nên đã chia tay một thời gian. Em gái em lo học hành rồi lại cắm mặt vào công việc nên 31 tuổi vẫn chưa yêu ai. Thế là hai đứa em quyết định sắp xếp cho hai đứa gặp nhau. 

Phải duyên thế nào 2 đứa hẹn hò xoắn xuýt với nhau. Những tưởng việc tốt đẹp này sẽ giúp tình bạn của chúng em sẽ thêm gắn kết, ai ngờ… Từ lúc 2 em yêu nhau, cả 2 bà chị đều trở nên khó tính hơn. 

Chúng em để ý và phán xét mọi thứ liên quan đến 2 đứa, có lúc còn áp đặt điều mình nghĩ lên cách thể hiện tình yêu của 2 đứa. Thậm chí, chúng em để ý cả những khuyết điểm của 2 đứa để góp ý. 

Kể cả việc thằng bé từng có một đời vợ, luôn nhận được sự yêu thương, thông cảm từ em thì nay lại bị soi mói, biến thành điểm yếu để thỉnh thoảng mang ra chọc ngoáy. Thế nên, hai bà chị thường xuyên khúc mắc với nhau, có lần cãi nhau to khi "buôn chuyện" tình yêu của các em. 

Hai đứa đã yêu nhau đến độ muốn bàn chuyện đám cưới mà hai bà chị thì hờn giận nhau như trẻ nhỏ. Phải làm sao bây giờ, chị chỉ cho em với nhé! 

Em xin được giấu tên.

Chào em!

Đúng là một tình huống khó xử khi hai người chị vô tình bị đẩy vào vai "người giám hộ tình cảm". Khi làm mối cho hai em của mình, em và người bạn của mình đã bị "ràng buộc kép" trong ứng xử: vừa với tư cách là người chị, vừa là bạn của nhau. 

Vai trò này khiến hai em vô thức cảm thấy có trách nhiệm phải đảm bảo mọi thứ thật hoàn hảo - cho em của mình, cho bạn, cho cả hai bên gia đình. Khi tình cảm chuyển từ "người ngoài cuộc" sang "có liên quan trực tiếp", cái nhìn vốn khách quan, bao dung giờ đây lại dễ trở nên khắt khe, chủ quan. 

Đó không phải vì hai em không thương nhau, mà vì thương… quá, quan tâm… quá. Chuyện hai người chị trở nên khó tính hơn, soi xét hơn, đôi khi còn giận dỗi nhau vì chuyện tình cảm của các em nghe thì dở khóc dở cười nhưng cũng dễ hiểu. 

Khi điều gì đó liên quan đến người mình yêu quý, tâm lý bảo vệ sẽ nổi lên. Và khi cả hai người chị đều có xu hướng bảo vệ em của mình, sự mâu thuẫn là điều gần như không tránh khỏi.

Vấn đề không nằm ở tình cảm của hai em, mà nằm ở việc hai người chị chưa thực sự tin tưởng và yên tâm với sự trưởng thành của các em. Sâu xa hơn, đó là nỗi lo "liệu người kia có xứng đáng không?", "có làm tổn thương em mình không?", "nếu có chuyện gì không hay thì có ảnh hưởng tới tình bạn của mình không?"…

Các em có thể tham khảo vài gợi ý sau đây của Thanh Tâm nhé. Hãy để tình yêu là việc của… người trong cuộc. Hai người chị cần "lùi một bước" để nhìn toàn cảnh. Cả hai hãy thử đặt lại câu hỏi, nếu là một người ngoài cuộc, mình có phản ứng khắt khe thế không? 

Có thể nào mình đang lo xa hơn mức cần thiết? Mình đang bảo vệ em mình - hay đang kiểm soát em ấy? Cần chấp nhận rằng mỗi người đều có khuyết điểm. Thay vì "soi lỗi", hãy giúp hai em nhìn nhận mặt hạn chế của mình và cải thiện. 

Nhưng hãy nhớ, góp ý chỉ thực sự có ích khi được lắng nghe trong không khí tôn trọng và tin tưởng. Và hãy cùng nhau chia sẻ niềm vui, không phải gánh nặng. Thay vì chỉ nhìn vào những rủi ro, hãy cùng tận hưởng niềm vui khi cả hai đứa em tìm thấy nhau. Đây là cơ hội hiếm có - gia đình và bạn thân sắp thành thông gia cơ mà!

Lời khuyên cuối cùng, hai người chị, dù thương em mình đến mấy cũng chỉ nên đóng vai "người dẫn chuyện" - đừng lấn sân làm "đạo diễn". Chuyện tình cảm của các em mình có khi lại phức tạp hơn nếu có thêm vài "bình luận viên" khư khư bảo vệ người nhà mình đấy nhé!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm