2 biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu khiến trẻ có thể tử vong trong thời gian ngắn

Linh Trần
06/07/2020 - 23:00
2 biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu khiến trẻ có thể tử vong trong thời gian ngắn
Bệnh bạch hầu có thể lây lan rất nhanh dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Hơn nữa, bệnh bạch hầu có tỷ lệ gây tử vong cao do những biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 49 trường hợp được phát hiện mắc bệnh bạch hầu, trong đó 3 trường hợp tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ), cho biết bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Theo PGS. Trần Đắc Phu, bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

2 biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh bạch hầu khiến trẻ có thể tử vong trong thời gian ngắn - Ảnh 1.

Trẻ bị bệnh bạch hầu có thể dẫn đến biến chứng và tử vong

Bởi vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Sau thời gian ủ bệnh khoảng từ 2-5 ngày, trẻ thường biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi hạch ở cổ. Khi bệnh tiến triển, sẽ có thêm các triệu chứng như khó nuốt, khó thở, nhiều trẻ biểu hiện nặng với da xanh, nhịp tim rối loạn, liệt thần kinh. Theo PGS. Trần Đắc Phu, biến chứng bạch hầu thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Đối với biến chứng viêm cơ tim, có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu, tỷ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Bệnh nhân có thể bị liệt màn hầu, liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.

Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày với tỷ lệ từ 5% - 10%.

PGS. Trần Đắc Phu cho biết, bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng vaccine. Tại Việt Nam, có nhiều loại vaccine phối hợp có thành phần kháng nguyên bạch hầu. Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có các loại vaccine có kháng nguyên bạch hầu như: Vaccine "5 trong 1" phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - viêm gan (tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi); vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi); vaccine bạch hầu - uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao. Tuy nhiên, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.

          Ngoài ra, còn có một số loại vaccine dịch vụ có kháng nguyên bạch hầu như: Vaccine Hexaxim; vaccine Pentaxim; vaccine Tetraxim;  vaccine Adacel,…


Để phòng bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm