pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 loại thực phẩm là “vua rút cạn canxi” nhưng nhiều người vẫn mê
Ảnh: ST
Chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện thì số người bị loãng xương cũng nhiều lên. Theo tạp chí y khoa nổi tiếng của Trung Quốc, tỷ lệ người mắc bệnh loãng xương đang ngày càng gia tăng. Căn bệnh này sẽ khiến chất lượng cuộc sống giảm sút và kéo theo cả những vướng bận về tinh thần cho bệnh nhân. Dẫu vậy, rất khó để phát hiện bệnh loãng xương kịp thời để chữa trị, do đó, phòng ngừa căn bệnh này ghé thăm là cách an toàn nhất đối với sức khỏe mọi người.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuổi tác gia tăng và thói quen sinh hoạt, ăn uống là những nguyên nhân dẫn đến loãng xương, vì vậy việc phòng và điều trị loãng xương đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Dưới đây là 2 thực phẩm có khả năng bòn rút canxi trong cơ thể, mọi người cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình:
1. Bột protein
Bột protein là nguồn bổ sung protein tổng hợp cho cơ thể. Tuy nhiên đối với những người bị loãng xương, loại bột này không tốt cho xương nên hãy hạn chế sử dụng.
Chế độ ăn dựa chủ yếu vào protein đều không tốt cho xương. Ăn nhiều protein có thể khiến thận bài tiết nhiều canxi ra khỏi cơ thể. Mất canxi có thể làm giảm mật độ xương và gây loãng xương.
Người bệnh loãng xương bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống để tránh làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bệnh nhân bị loãng xương nên ăn nhiều các loại xương ống từ động vật, cá, cua, trứng giúp cung cấp thêm canxi cho cơ thể, rất tốt cho xương. Ngoài ra, trà xanh cũng là những thực phẩm tốt giúp ngăn ngừa lão hoá, giúp xương chắc khoẻ.
2. Đồ mặn
Muối là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta, tuy nhiên nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ gây ra những tổn thương nhất định cho xương.
Muối có chứa ion natri sẽ làm mất cân bằng điện giải và giữ lại natri, nước sau khi vào cơ thể. Từ đó cản trở cơ chế trao đổi chất của dạ dày và cơ thể, một lượng lớn canxi và chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi. Ngoài ra, nếu nạp quá nhiều ion natri sẽ làm tăng đào thải nhanh canxi qua nước tiểu, vì cứ 1.000 mg ion natri bài tiết qua thận sẽ tiêu tốn khoảng 30 mg canxi.
3 điều quan trọng cần ghi nhớ để phòng tránh bệnh loãng xương
1. Kiểm tra mật độ xương thường xuyên
Càng lớn tuổi, cơ thể càng có nhiều biến đổi đặc biệt là về xương cốt. Kiểm tra mật độ xương cũng là "hạng mục" phổ biến đối với người cao tuổi giúp đánh giá chính xác tình trạng xương và phòng bệnh loãng xương hiệu quả. Vì vậy, việc đi khám sức khỏe định kỳ là cần thiết.
2. Bổ sung chất dinh dưỡng
Sau 30 tuổi, hoạt động của các tế bào xương sẽ giảm dần, mật độ xương cũng giảm dần, lúc này nếu không hình thành thói quen ăn uống tốt thì sẽ đẩy nhanh mức độ thoái hóa xương, dễ xảy ra loãng xương. Do đó, người trung niên và người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương.
Thực phẩm là cách tốt nhất để bổ sung các dưỡng chất, cũng như nuôi dưỡng cơ thể từ sâu bên trong. Theo các chuyên gia, để duy trì mật độ xương và giúp xương chắc khỏe, chúng ta cần bổ sung các loại thực phẩm đáp ứng nhu cầu bổ sung canxi cho cơ thể.
Ngoài ra, việc cung cấp những thực phẩm có chứa omega-3, vitamin và khoáng chất khác cũng rất cần thiết nhằm giúp kháng viêm và tăng khả năng hấp thụ canxi cho cơ thể. Bạn có thể thêm các thực phẩm như sữa, rau xanh, cá hồi, trái cây… vào thực đơn hằng ngày để giúp duy trì hệ xương chắc khỏe hơn.
3. Chăm chỉ tập thể dục
Quá trình tập thể dục có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu hiệu quả khắp cơ thể, lưu lượng máu lưu thông tăng lên giúp xương hấp thụ canxi từ đó làm chậm quá trình lão hóa xương.
Trong quá trình vận động, lực của xương tăng lên đáng kể, các nguyên bào xương và các yếu tố tăng trưởng có lợi cho xương được chuyển hóa tích cực làm cho xương phát triển nhanh chóng, mật độ và độ chắc khỏe của xương tăng lên.
Tập thể dục đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của toàn bộ cơ thể, tăng cảm giác thèm ăn và thúc đẩy việc hấp thụ các chất dinh dưỡng, có thể bù đắp cho sự thiếu hụt canxi, phốt pho và các chất khác.