pnvnonline@phunuvietnam.vn
2022 sẽ là năm phục hồi và thống nhất cho tất cả mọi người
Số lượng nữ doanh nhân trên thế giới ngày càng tăng
Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9%
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia trên thế giới đoàn kết đưa năm 2022 là năm phục hồi cho tất cả mọi người. "Phục hồi sau đại dịch với một kế hoạch táo bạo là tiêm chủng cho mọi người, ở mọi nơi. Phục hồi nền kinh tế của chúng ta bằng cách các quốc gia giàu có hơn hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, đầu tư và xóa nợ. Phục hồi sau sự chia rẽ và ngờ vực bằng các dữ liệu khoa học, thông tin thực tế. Phục hồi sau xung đột với tinh thần đối thoại, thỏa hiệp và hòa giải. Phục hồi hành tinh của chúng ta với các cam kết về khí hậu… Vì mọi người, hành tinh và sự thịnh vượng!", ông Guterres nói.
Kịch bản về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn bởi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn khôn lường. Nhiều dự báo cho rằng, kinh tế thế giới sẽ vững bước hơn trên con đường quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022. Đó là nhờ đà phục hồi đã được củng cố trong năm 2021 khi các nước chuyển sang "sống chung an toàn với Covid-19", triển khai các gói kích thích tăng trưởng hậu Covid-19, những nút thắt trong chuỗi cung ứng cũng dần được tháo gỡ.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9%, trong khi Oxford Economics dự báo mức tăng 4,5%. Trong báo cáo Bảng xếp hạng kinh tế thế giới (WELT) năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (Anh), dự báo GDP của nền kinh tế thế giới sẽ vượt 100 ngàn tỷ USD vào năm 2022 nhờ đà phục hồi sau đại dịch Covid-19. Báo cáo kinh tế này chỉ ra rằng, trong năm 2022, du lịch giải trí phục hồi và tăng trưởng khi các nước mở cửa trở lại, với kỳ vọng tần suất các chuyến bay chặng dài và trung bình sẽ tiếp tục gia tăng vào năm 2022. Một yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế 2022 là kỹ thuật số. 20% chuyển đổi số trong ngành bán lẻ vẫn được duy trì giúp định hình thói quen mua sắm.
Hỗ trợ thị trường lao động phục hồi
Chính phủ các nước đã và đang nỗ lực thực hiện đa dạng chính sách hỗ trợ người lao động cũng như bảo vệ việc làm nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho phục hồi kinh tế sau khi các lệnh giãn cách được dỡ bỏ. Theo dữ liệu thống kê của Mastercard (Mỹ), tỷ lệ doanh nhân nữ có xu hướng gia tăng và khoảng cách giới của doanh nhân đã được thu hẹp đáng kể. Phụ nữ đại diện cho 50% doanh nhân ở Mỹ Latinh và Caribbean. Hiện nay, cứ 10 doanh nhân nam ở Mỹ thì có 9 doanh nhân nữ. Ngân hàng Phát triển Hồi giáo đã nhận được 11,25 triệu USD để hỗ trợ phụ nữ ở Tây Phi tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Chương trình này sẽ hỗ trợ nâng cấp và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ trong chuỗi giá trị lúa gạo ở Tây Phi. Nó được cho là sẽ giúp các nhà tuyển dụng nữ thông qua phát triển năng lực, cấp phép phù hợp và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường địa phương và khu vực.
Nghiên cứu cũng cho thấy 58,4% phụ nữ từ 25 đến 64 tuổi tham gia lực lượng lao động, so với 92,1% nam giới ở cùng độ tuổi. Phân tích của Bloomberg dự báo, sự tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ vào lực lượng lao động sẽ đóng góp thêm 20.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050.
Triển vọng việc làm cho người lao động toàn cầu năm 2022 có thể còn sẽ tốt hơn mong đợi, nhờ 3 yếu tố chính mà tạp chí The Economist chỉ ra. Yếu tố đầu tiên liên quan đến làm việc tại nhà. Các ước tính cho thấy mọi người sẽ dành thời gian làm việc ở ngoài văn phòng nhiều gấp 5 lần so với tiền đại dịch. Xu hướng này làm tăng cả hạnh phúc và năng suất. Yếu tố thứ 2 liên quan đến tự động hóa. Nhiều nhà kinh tế giả định rằng đại dịch sẽ mở đường cho sự gia tăng của robot, khi máy móc hỗ trợ AI sẽ đảm nhận nhiều công việc hiện tại. Điều này chắc chắn đúng vì các đại dịch trong quá khứ cũng đã khuyến khích tự động hóa, một phần vì robot không bị bệnh. Yếu tố thứ 3 liên quan đến chính sách. Trong bối cảnh đại dịch, các chính trị gia và lãnh đạo ngân hàng trung ương quan tâm đến việc giảm tỷ lệ thất nghiệp hơn là theo đuổi các mục tiêu khác, chẳng hạn như giảm lạm phát hoặc nợ công. Đây là cách tiếp cận khác với các cuộc khủng hoảng trước, khi hầu hết quốc gia nhanh chóng thắt lưng buộc bụng. Lần này, các quốc gia đang cam kết các nguồn lực chưa từng có để phục hồi kinh tế trong 5-10 năm tới. Ví dụ, Mỹ đã cam kết chi tiêu hàng nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Liên minh châu Âu lần đầu tiên thay mặt các nước thành viên đi vay để hỗ trợ các kế hoạch phục hồi.
Các chính phủ cũng triển khai nhóm các chính sách hỗ trợ đào tạo người lao động, định hướng người lao động vào các ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt khi nền kinh tế mở cửa trở lại, góp phần ngăn chặn tình trạng thất nghiệp quá mức có thể cản trở sự phục hồi của thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ lại lao động, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Song song với các chính sách phía cung lao động, 87% các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng triển khai đồng thời các chính sách như miễn, giảm thuế và các khoản tín dụng, hỗ trợ chi phí, cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp nhằm trang trải chi phí cho các doanh nghiệp và ngăn chặn phá sản, khuyến khích khởi nghiệp, gián tiếp bảo vệ việc làm cho người lao động.