pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu về tinh giản biên chế
Giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh minh hoạ: Minh Sơn/Vietnam+
Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2015. Theo số liệu được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ, tính đến hết năm 2021, biên chế công chức đã giảm 10,01%.
Theo Bộ Nội vụ, biên chế sự nghiệp đã giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.
Chỉ riêng năm 2021, kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đối với cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương còn 1.173 sở, giảm 7 tổ chức; tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở còn 8.122, giảm 1.648 tổ chức (giảm 1.440 phòng thuộc sở, giảm 208 chi cục thuộc sở); cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện còn 8.490 phòng, giảm 451 phòng.
Tính đến hết năm 2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm được 12,35% so với năm 2015.
Một số địa phương đã chủ động, sắp xếp tổ chức bộ máy như: Cao Bằng, Bình Phước, Ninh Thuận, Cà Mau, Lạng Sơn, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Gia Lai... Một số địa phương khác cũng đã ban hành văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở như: Bắc Giang, Đắk Lắk, Bình Định, Tiền Giang, Quãng Ngãi, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Lào Cai, Hải Dương…
Trong năm 2021, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tích cực hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai xây dựng danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quản lý biên chế và tổ chức bộ máy giai đoạn 2015-2020, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã) hiện nay là 247.722 biên chế.
Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu giáo viên đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do tăng dân số cơ học, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương để bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp theo yêu cầu của Quốc hội.
Theo Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đang tích cực rà soát, sắp xếp tổ chức công tác tổ chức. Bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế tiếp tục được thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tinh giản biên chế, cải cách quản lý biên chế và giao biên chế công chức, viên chức được đẩy mạnh và gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng quy định của Đảng, pháp luật.