Chào năm mới 2022 - Sống trong niềm hy vọng

Đinh Thu Hiền
01/01/2022 - 06:00
Chào năm mới 2022 - Sống trong niềm hy vọng

Ảnh minh họa

Năm mới 2022 đã tới. Cuộc sống không thể thiếu đi niềm hy vọng, sự lạc quan, cho dù nhìn lại một năm qua với bao mất mát.
Nhìn lại những tháng ngày đã qua

Việt Nam vừa trải qua một năm có nhiều tổn thất về nhân lực, vật lực, hao tổn về trí lực. Dịch bệnh bùng phát tại TPHCM và các tỉnh phía Nam vào những tháng giữa năm, khiến nhiều công ty sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Việc sản xuất trong điều kiện "3 tại chỗ" đã vô cùng khó khăn, tạo sức ép về chi phí cho doanh nghiệp, sức ép về tâm lý và sức khỏe cho người lao động.

Đợt dịch lần thứ 4 đã mang lại rất nhiều khó khăn, vất vả cho người kinh doanh. TPHCM và các tỉnh phía Nam đã thêm một lần hứng chịu sự "tháo chạy" của làn sóng thuê mặt bằng làm cửa tiệm. Giá mặt bằng lao dốc chỉ bằng 2/3, thậm chí có nơi giảm giá tới 1/2 nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn người kinh doanh quay trở lại nhộn nhịp như trước. Thói quen làm việc tại nhà, ít ra ngoài sử dụng các dịch vụ tiện ích và mua sắm của người tiêu dùng, khiến các dịch vụ này hoạt động cầm chừng. Các quán ăn, quán cà phê sang nhượng mặt bằng, chấp nhận thua lỗ để không bị phá sản thêm khiến thị trường này phát triển không đồng nhất. Có nơi bị quá tải dịch vụ do khách không có nhiều sự lựa chọn nhưng cũng có nơi vắng bóng khách tới trải nghiệm, dẫn tới việc không cân bằng được đầu vào - đầu ra trong kinh doanh.

Vào những tháng ngày cao điểm giãn cách, người lao động tại đô thị sống trong các căn nhà trọ chật hẹp đã không thể trụ lại thành phố trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, dẫn tới làn sóng di cư về quê lớn chưa từng có từ trước tới nay.

Ngành vận tải và các dịch vụ đi kèm đã có một năm lao đao cùng với ngành du lịch, dịch vụ lưu trú. Tại các thành phố du lịch, các khách sạn, resort đua nhau rao bán trong bối cảnh rất ít người mua quan tâm. Tới những tháng cuối năm, khi cuộc sống đã cơ bản trở về "bình thường mới", các địa danh du lịch nổi tiếng của quốc gia như Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết... vẫn còn thưa thớt khách.

Sống trong niềm hy vọng - Ảnh 1.

Cây ATM gạo ở Đắk Nông

Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong tháng cuối năm đang phải đối mặt với số ca lây nhiễm trên diện rộng. Việc di chuyển và đi lại của người dân trong nước dịp cuối năm không tấp nập như những tháng đầu năm. Số lượng người Việt tại nước ngoài mong muốn trở về ăn Tết và thăm thân rất đông nhưng tới cuối năm vẫn chưa mở đường bay thương mại.

Trong năm vừa qua, cả nước đau buồn khi đã có hơn 31 ngàn đồng bào tử vong trong đợt dịch lần thứ 4. Lễ tưởng nhớ và cầu siêu vô cùng xúc động cho đồng bào ở 2 đầu cầu TPHCM và Hà Nội. Người dân tắt đèn và thắp nến, thương xót đồng bào đã mất và cầu xin cho bệnh dịch mau chấm dứt, cuộc sống mau quay trở lại bình thường.

Hướng về phía trước

Việt Nam là một trong các quốc gia trên thế giới có tỉ lệ người dân tiêm vaccine nhiều nhất. Việc người dân tự nguyện đi tiêm vaccine đã giúp cho số ca nhiễm dù tăng nhưng giảm thiểu số ca chuyển nặng và tử vong. Các thuốc kháng virus cũng đã được thử nghiệm trong nước, các túi thuốc F0 được trao từ tuyến y tế cơ sở khiến người dân cách ly chữa bệnh tại nhà không bị gặp khó khăn như những tháng giữa năm. Đây chính là những tín hiệu khả quan để Việt Nam có thể bình tĩnh đối mặt với biến chủng mới của virus trong năm tới.

Tin đặc biệt vui, đó chính là Tổng cục Thống kê vừa tuyên bố vào những ngày cuối cùng của năm 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng này đã cao hơn tốc độ tăng 4,61% của quý IV năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%. Với kết quả này, ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58%; trong đó quý I tăng 4,72%, quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%. Như vậy, kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường mới. Nhờ vậy, tăng trưởng quý IV đạt mức khá khiến tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,58%.

Đã từ nhiều tháng, tính từ những ca nhiễm trong chuỗi lây của tháng 5/2021, người dân TPHCM mới được chứng kiến ngày vui chơi Giáng sinh thích ứng với cuộc sống bình thường mới. Đường đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực Nhà thờ Đức Bà đã rất lâu mới thấy đông người tới tản bộ và vui chơi. Việc đeo khẩu trang nơi công cộng vẫn được duy trì và người dân có ý thức hơn để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Dự kiến, các đường bay thương mại quốc tế sẽ được khởi động vào đầu năm 2022. Việc đoàn tụ gia đình vào ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới sẽ sớm trở thành hiện thực đối với nhiều người Việt xa xứ. Lượng kiều hối trong năm 2021 ước đạt 12,5 tỉ USD. Với con số này, lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%.

Nhìn lại và đi tiếp, chính là bản năng sống mạnh mẽ của con người. Năm 2022 ở phía trước, dịch bệnh với chủng mới của virus vẫn hiển hiện trước mắt. Tuy nhiên chúng ta không có quyền bi quan. Thích ứng uyển chuyển an toàn chính là cách đối xử đúng đắn nhất trong hoàn cảnh mới.

Tạm biệt 2021, xin chào 2022!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm