28 triệu trẻ em gái đang làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm

25/06/2018 - 21:35
Đó là con số được đưa ra tại Diễn đàn vận động chính sách và giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh do Bộ LĐTB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Quỹ nhi đồng LHQ UNICEF và Tổ chức Alliance phối hợp tổ chức chiều 25/6 tại Hà Nội nhân ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em.

Theo ILO, ước tính toàn cầu hiện có khoảng 541 triệu lao động thanh, thiếu niên (trong độ tuổi 15-24 tuổi), chiếm 15% lực lượng lao động của thế giới, trong đó có 152 triệu lao động trẻ em và khoảng 73 triệu trẻ đang tham gia các công việc nguy hiểm, độc hại.

 

moi.jpg
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH trao đổi với đại diện các tổ chức quốc tế bên lề diễn đàn

 

Các công việc này đang trực tiếp đe dọa trẻ em về sức khỏe, sự an toàn và đạo đức. Mỗi ngày có 45 triệu trẻ em trai, 28 triệu trẻ em gái làm việc trong các điều kiện không an toàn và sử dụng công cụ lao động nguy hiểm.

Điều đáng nói, lao động trẻ em nguy hiểm độc hại đang giảm dần ở nhóm tuổi từ 12-17 nhưng tốc độ giảm rất chậm và số lượng trẻ em lao động trong độ tuổi 5-11 đã tăng lên 19 triệu.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy, có khoảng 1,75 triệu trẻ em và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi tham gia vào lao động trẻ em, trong đó có đến 32,4% số trẻ em làm việc kéo dài trên 42 giờ trong 1 tuần.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO cho rằng, những năm gần đây, Việt Nam có nhiều thành tựu đáng kể trong việc giải quyết lao động trẻ em, đã thiết lập khung pháp lý vững chắc phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và thực hiện một số chương trình, dự án để phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại cấp trung ương, địa phương.

Mặc dù vậy, lao động trẻ em vẫn tồn tại, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển tâm lý của trẻ em, hạn chế các cơ hội học tập cũng như việc làm bền vững của các em khi trưởng thành. Chính vì thế, Việt Nam cần mở rộng khung pháp lý để điều chỉnh đối tượng lao động trẻ em ở các khu vực: Chính thức và phi chính thức; nâng cao nhận thức về vấn đề lao động trẻ em; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình thúc đẩy phòng chống lao động trẻ em; xây dựng liên minh quốc gia tại Việt Nam nhằm tiên phong hợp tác trong phòng chống lao động trẻ em.

Tại Diễn đàn, đại diện các bộ ngành liên quan: Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản và các tổ chức quốc tế đã cùng tọa đàm, trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh.

20180625_160149-sua.jpg
Đại diện các bộ ngành, tổ chức quốc tế liên quan tọa đàm tìm giải pháp đẩy mạnh phòng chống lao động trẻ em

 

Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em UNICEF, trẻ em bỏ học đi lao động có nhiều nguyên nhân. Cần xem lại phương pháp giảng dạy trong nhà trường, nội dung chương trình chưa thực sự hấp dẫn, trẻ em vùng sâu vùng xa, khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, có trẻ do điều kiện kinh tế khó khăn, cũng có trẻ do đến trường bị bắt nạt, cô lập, bị hạ thấp nhân phẩm. Cần chú ý trẻ em trong các gia đình đặc biệt: Mồ côi, cha mẹ ly hôn, gia đình bị thiên tai, có người thân bị đau ốm. Nếu không được hỗ trợ kịp thời rất dễ bỏ học. Việc tổ chức dạy những nghề phù hợp với địa phương, với gia đình là giải pháp rất quan trọng.

Lý giải về việc tại sao các doanh nghiệp chưa nhận thức cao về việc sử dụng lao động trẻ em, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, đó là do lao động trẻ em có giá rẻ và trẻ em cũng sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động. Vì thế, các chủ sử dụng lao động đã tận dụng lợi thế này để tăng cường lao động trẻ em. Để ngăn ngừa tình trạng này cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh hơn; cần có sự can thiệp từ nhà trường, ngành Công an và chính quyền địa phương, đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Bộ Luật lao động, trong đó có lao động trẻ em cho các chủ doanh nghiệp.

Ông Cao Quốc Việt, đại diện Bộ Công an cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của lao động trẻ em chính là vấn đề kinh tế. Chính vì khó khăn về kinh tế khiến trẻ em bị bóc lột sức lao động. Để giải quyết vấn đề này, cần giải quyết vấn đề về kinh tế. Cần có chính sách hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với lứa tuổi và nâng cao quyền năng kinh tế cho các hộ gia đình.

Tại Diễn đàn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH đã nêu Cam kết và nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của VN, trong đó nhấn mạnh những hoạt động trọng tâm như: Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí nghèo đa chiều ở trẻ em. Đặt trẻ em vào trung tâm của chính sách giảm nghèo; sửa đổi, bổ sung chính sách đối với lao động trẻ em trong chính sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khảo sát quốc gia lao động trẻ em 2012, 2018…

Có nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh xây dựng các văn bản, khung pháp lý về phòng chống lao động trẻ em thì việc giám sát thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm