3 cô gái Bến Tre ước mơ nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học

An Khê
03/04/2022 - 13:30
3 cô gái Bến Tre ước mơ nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học

Các thành viên nhóm AROS thảo luận triển khai dự án bảo vệ môi trường

Trước thực trạng môi trường tại nơi mình sinh sống ô nhiễm nặng, hạn mặn gia tăng, 3 cô gái ở Bến Tre đã thành lập nhóm dự án bảo vệ môi trường AROS. Một trong những mục tiêu của dự án là thực hiện các lớp ngoại khóa cho học sinh tiểu học trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các em.

Vừa qua, dự án "Mặt trời xanh" của nhóm AROS là 1 trong 7 dự án môi trường xuất sắc nhất được chọn triển khai của Ban tổ chức "Trại thủ lĩnh khí hậu Việt Nam" (do CHANGE tổ chức). 

"Nhận thấy các tiết học ngoại khóa và môi trường tại nhiều địa phương vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nhóm quyết định thực hiện một bộ giáo án linh hoạt, đáp ứng tiêu chí chuyên môn và tiết kiệm, nhằm chia sẻ áp lực với các thầy cô trong quá trình giảng dạy. Nhóm mong muốn thông qua các bài giảng sinh động, gần gũi với kiến thức nhà trường và lấy ví dụ từ chính thực tế đời sống tại Bến Tre, giúp các em có kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe bản thân trước tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, dự án cũng hướng tới xây dựng nguồn nhân lực tại địa phương nhằm tăng thêm tính bền vững, duy trì và tiếp nối dự án qua nhiều năm tiếp theo", Huỳnh Trang - Trưởng nhóm AROS - cho biết.

AROS thành lập từ tháng 11/2021 bởi 3 cô gái Bến Tre là Huỳnh Trang (sinh năm 2000), Hồng Thiện (sinh năm 2003) và Xuân Thu (sinh năm 2002). Cơ duyên để 3 thành viên gặp nhau là chương trình Trại thủ lĩnh khí hậu Việt Nam năm 2021 do CHANGE tổ chức. 

"Trong 3 - 4 năm trở lại đây, hạn mặn ở Bến Tre ngày càng nghiêm trọng, đến nỗi nhà bọn em ở Chợ Lách, nơi nổi tiếng là xứ sở trái cây bị mất mùa và không còn tổ chức được lễ hội trái cây hằng năm nữa. Nhiều bạn nhà ở thị xã thì phải đi mua từng can nước để sử dụng mỗi đợt mặn về. Vì thế, nhóm nghĩ mình phải làm gì đó để hạn chế tình trạng trên", Huỳnh Trang nói.

Một môi trường đáng sống trong tương lai mà nhóm mong muốn là nơi mà ở đó mọi người được hướng dẫn và được tạo điều kiện để sống hòa hợp với thiên nhiên. Và tương lai đó nên được bắt đầu bằng việc dạy những đứa trẻ biết yêu thương cái cây, dòng nước ở ngay hiên nhà, biết cách bảo vệ bản thân trước nắng gió, mưa bão. AROS không muốn nói về việc yêu môi trường theo một cách xa vời mà muốn đem chính những điều đang xảy ra trước mắt các em chạm đến suy nghĩ, tình cảm và rèn luyện hành động tử tế cho các bạn nhỏ.

Ngoài dự án "Mặt trời xanh", năm 2021, nhóm đã thực hiện chiến dịch truyền thông "Sứ giả rừng xanh: Ngưng nhựa" cùng với chuỗi dự án "Tôi dám thay đổi". Chiến dịch triển khai từ tháng 2 đến tháng 4/2021 và thu hút được hơn 2.000 lượt tương tác trên mạng xã hội qua page của chương trình. Các mini game, chuỗi thử thách hành động thu hút hơn 200 bạn trẻ tham gia thực hiện.

"Sứ giả rừng xanh: Ngưng nhựa" là tiếng nói của chính các bạn trẻ Bến Tre muốn đóng góp cho môi trường quê hương. Bằng những hình thức trẻ trung và thời thượng như nhiếp ảnh, vlog, livestream đố vui về môi trường hàng tuần, dự án đã tạo ra làn sóng "Ngưng nhựa" tại thành phố Bến Tre. Mọi người nhắc nhở nhau không dùng ống hút nhựa tại quán cà phê, mang theo hộp dụng cụ ăn riêng khi đến trường, mang bình nước để hạn chế ly nhựa dùng một lần. Tất cả hành động ấy được chia sẻ lại trên facebook và gắn kèm hashtag của chương trình. Bên cạnh đó, dự án còn mời được 7 câu lạc bộ, đội nhóm đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố tham gia như THPT chuyên Bến Tre và THPT Nguyễn Đình Chiểu.

Huỳnh Trang cho rằng, mạng lưới về môi trường ở nước ta vẫn chưa đủ rộng và vấn đề môi trường đôi lúc chưa được thực sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, cần có sự truyền thông đồng đều để mọi lĩnh vực có thể cùng đứng về một chiến tuyến trong hành trình giảm thiểu các vấn đề tác động xấu đến môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm