3 hướng hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau "bão Covid"

Anh Quân
01/08/2021 - 20:52
3 hướng hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau "bão Covid"

Thực hiện phòng chống dịch cho du khách tại cảng tàu quốc tế Hạ Long - Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá 2021 là một năm nghiệt ngã của du lịch toàn cầu. Tại Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tái bùng phát đã làm tê liệt các hoạt động du lịch.

Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2021 giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều kế hoạch, sự kiện xúc tiến quảng bá điểm đến của các địa phương buộc phải tạm hoãn, lùi thời hạn.

Để gỡ khó cho ngành du lịch, anh Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group – doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ du lịch, đề xuất một số giải pháp: Trước mắt, doanh nghiệp cần có các chính sách "tiếp sức", tạo cơ chế để tiếp cận được với những khoản vay ưu đãi nhằm chi trả, phục hồi kinh doanh, trả lương cho nhân viên. Doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn được giãn nợ ngân hàng từ 3 đến 5 năm và được cho vay không cần thế chấp bởi doanh nghiệp du lịch hiện nay không còn gì để thế chấp nữa rồi. Về lâu dài, để phục hồi ngành "công nghiệp không khói", cần có các giải pháp dài hạn như đào tạo lại lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch, chuyển đổi số, thay đổi cách làm du lịch...

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty du lịch Hành trình Phương Đông, bày tỏ, hậu Covid-19, những người điều hành doanh nghiệp du lịch như chị mong muốn có đường hướng phát triển thực sự, được các cơ quan chức năng hỗ trợ quảng bá, truyền thông về các điểm đến an toàn...

Với các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khó khăn của đại dịch, phục hồi và phát triển, Trưởng ban Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính nhận định: Có 3 hướng hỗ trợ. Đó là hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động trong ngành du lịch và hỗ trợ phục hồi cho ngành du lịch.

Về các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, cuộc khảo sát do Hội đồng Tư vấn du lịch phối hợp thực hiện cho thấy, việc giãn nộp hoặc giảm thuế là ưu tiên hàng đầu đối với doanh nghiệp. Ông Hoàng Nhân Chính giải thích lý do: nếu xét trên góc độ kinh doanh, tiền lãi trong doanh nghiệp được tính bằng tổng thu trong kinh doanh trừ đi tổng chi trong kinh doanh. Vì vậy, nếu được giãn hoặc giảm các loại thuế, doanh nghiệp sẽ có ngay một khoản tiền hiện hữu để có thêm kinh phí duy trì hoạt động. Các hỗ trợ khác như miễn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, giảm thanh, kiểm tra không cần thiết, giảm lãi suất vay ngân hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các gói vay ngân hàng... cũng là mong muốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, đặc biệt là khu nghỉ dưỡng, đang phải chịu giá thuê đất khá cao. Họ cần được hỗ trợ giảm giá thuê đất, giảm giá tiền điện...

Đối với hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm chính là ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động trong ngành du lịch. Việc tiêm vaccine được đánh giá là giải pháp căn cơ, có 2 tác động lớn. Một là, giúp người lao động yên tâm làm việc. Điều này rất quan trọng, vì những người làm dịch vụ phải tiếp xúc với nhiều người. Hiện tại, nhiều cơ sở lưu trú được trưng dụng làm cơ sở cách ly, làm nơi ở cho cán bộ y tế, những người làm công tác phòng, chống dịch tại địa phương... nên họ cần được ưu tiên tiêm vaccine để đảm bảo an toàn. Hai là, khi nhân sự trong doanh nghiệp đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao thì du khách mới cảm thấy yên tâm khi sử dụng dịch vụ.

Hướng tới phát triển du lịch bền vững

Trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam... đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm tiền thuê đất và giãn nộp thuế...

Tổng cục Du lịch đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp tập trung vào việc xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước; sẵn sàng các phương án mở lại thị trường quốc tế; hỗ trợ địa phương phục hồi và phát triển du lịch; phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; quy hoạch du lịch; cơ cấu lại thị trường du lịch... Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đưa ra Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khôi phục và phát triển du lịch sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm