Cộng đồng LGBTQ+ và ngành du lịch hậu Covid-19

Nhật Linh (tổng hợp)
29/07/2021 - 10:19
Cộng đồng LGBTQ+ và ngành du lịch hậu Covid-19

Ảnh minh họa

Khi dịch Covid-19 đang tạm lắng ở một số nước, ngành du lịch cũng bắt đầu làm quen với “trạng thái bình thường mới”. Câu hỏi lớn bây giờ với ngành du lịch: Ai sẽ là người bắt đầu những chuyến đi? Thực tế trong lịch sử, những người khởi xướng lại phong trào du lịch trên thế giới sau những chấn động khủng khiếp chính là cộng đồng LGBTQ+ (cộng đồng người đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới).

"Cụ thể, sau sự kiện khủng bố 11/9 ở thành phố New York (Mỹ), cộng đồng LGBTQ+ là nhóm người đầu tiên trở lại những nhà hàng và đi xem các show diễn để ủng hộ các nhân viên, đầu bếp và nghệ sĩ", trích lời ông John Tanzella, CEO của Tổ chức Du lịch của cộng đồng người đồng tính (IGLTA). Đồng thời, trong một buổi đàm thoại với Trường Du lịch CETT của Tây Ban Nha, ông Mateo Asensio từ Liên đoàn Du lịch Barcelona đã nói: "Khi các nước bắt đầu mở cửa trở lại, cộng đồng LGBTQ+ là nhóm du khách đầu tiên lên kế hoạch nghỉ dưỡng và mua vé máy bay." Một khảo sát của công ty phân tích và nghiên cứu thị trường The Harris Poll cho thấy, mong muốn được đi du lịch trong năm 2020 của những người trưởng thành thuộc cộng đồng LGBTQ+ là 51%, cao hơn so với tỷ lệ 46% những người không thuộc LGBTQ+ tham gia khảo sát.

Cộng đồng LGBTQ+ được nhiều người trong ngành du lịch coi là "những đồng đô la màu hồng". Họ được cho là nhóm khách du lịch lý tưởng và đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho các công ty du lịch vì họ thường là những cặp đôi dạng DINK (Dual Income, No Kids - Tạm dịch: Thu nhập nhân đôi và không con cái). Theo ông Thomas Roth, Chủ tịch của Công ty Tiếp thị Cộng đồng CMI, trung bình mỗi năm ở Mỹ, ảnh hưởng kinh tế của các du khách thuộc LGBTQ+ lên ngành du lịch nước này là khoảng 65 tỉ USD.

Cộng đồng LGBTQ+ và ngành du lịch hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhánh du lịch cho cộng đồng LGBTQ+ vẫn tập trung chủ yếu vào những người đồng tính nam. Điều này gây khó khăn cho những nhóm người khác vì số lượng các dịch vụ du lịch có thể phục vụ cho họ là rất ít. Trong nhiều trường hợp, những cặp đôi đồng tính nữ hay những người chuyển giới còn gặp nhiều nguy hiểm hơn khi đi du lịch so với các cặp đôi đồng tính nam. Bà Meg Ten Eyck, người sáng lập tạp chí EveryQueer, cho rằng việc chỉ tập trung vào một nhóm người trong cộng đồng như vậy sẽ làm chậm phát triển nhánh du lịch đang trên đà tăng trưởng mạnh này. Các địa điểm du lịch cần chuẩn bị đầy đủ dịch vụ cho tất cả mọi người trong cộng đồng và việc này cần diễn ra mọi lúc chứ không chỉ gói gọn trong Tháng Tự hào hay một vài thời điểm có sự kiện của cộng đồng LGBTQ+.

"Du lịch đã ăn sâu vào nền văn hóa của chúng ta. Phần lớn những người trẻ thuộc cồng đồng LGBTQ+ không lớn lên trong những gia đình thực sự ủng hộ hoặc thấy thoải mái với con người thật của họ", bà Ten Eyck chia sẻ. "Nhiều người đổ xô đến các thành phố lớn hoặc những nơi sẵn sàng chấp nhận họ là ai. Vì vậy, những buổi diễu hành Tự hào hay các địa điểm thân thiện với người đồng tính đã dần trở thành động lực văn hoá để họ đi du lịch".

Đã có nhiều tổ chức ra đời với mục đích khuyến khích, hỗ trợ các địa điểm du lịch và du khách thuộc LGBTQ+, song song với đó là sự cải thiện về quan điểm của nhiều nước đối với cộng đồng này. Nền du lịch sau dịch Covid-19 cần sẵn sàng cho một nhóm du khách với những tiềm năng lớn: cộng đồng LGBTQ+.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm