3 khuyến cáo để hạn chế nguy cơ mắc đậu mùa khỉ

Linh Trần
27/07/2022 - 16:59
3 khuyến cáo để hạn chế nguy cơ mắc đậu mùa khỉ

Người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân nên thực hiện theo 3 khuyến cáo dưới đây của các chuyên gia. Khi nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, người dân cần báo cho cơ sở y tế và thực hiện cách ly tại nhà.

Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 75 quốc gia ở tất cả các khu vực với trên 16.000 người mắc, trong đó 5 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời, kêu gọi các nước có giải pháp, chia sẻ để phòng dịch bệnh.

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Do sự giao lưu, tiếp xúc của công dân giữa các quốc gia ngày càng mở rộng. Do đó, Bộ Y tế cũng đã lên phương án đối phó.

Theo các chuyên gia, để giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân nên thực hiện theo 3 khuyến cáo dưới đây:

Thứ nhất, tránh tiếp xúc không được bảo vệ với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm hoặc chết.

Hầu hết, các bệnh nhiễm trùng ở người đều do lây truyền chính từ động vật sang người. Do đó, phải tránh tiếp xúc không được bảo vệ với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm hoặc chết, kể cả thịt, máu và các bộ phận khác của chúng.

Ngoài ra, cần ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ thông qua hạn chế buôn bán động vật. Những động vật nuôi có khả năng bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nên được cách ly khỏi những động vật khác và đưa vào kiểm dịch ngay lập tức.

Thứ hai, cần cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào nếu nghi ngờ tiếp xúc người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Nếu cán bộ y tế hoặc người sống cùng mà tiếp xúc vật lý với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ hãy khuyến khích người nhiễm bệnh tự cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào nếu có thể.

Khi tiếp xúc gần với người bệnh, cần đeo khẩu trang y tế, đặc biệt là nếu người nhiễm bệnh đang bị ho hoặc có tổn thương trong miệng. Tránh tiếp xúc da với da bất cứ khi nào có thể và sử dụng găng tay dùng một lần nếu tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị tổn thương của người bệnh.

Thứ ba, cần sát khuẩn tay, đồ dùng cá nhân.

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn; Giặt quần áo, khăn và ga giường và dụng cụ ăn của người bệnh bằng nước ấm và bột giặt. Làm sạch và khử khuẩn bất cứ bề mặt nào đã bị nhiễm bẩn và tiêu hủy chất thải bị nhiễm bẩn (ví dụ, băng gạc) một cách phù hợp.

Ngoài ra, tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt động vật nấu chưa chín kỹ. Thận trọng khi tiếp xúc gần, trực tiếp với các loại động vật. Nếu phải tiếp xúc trực tiếp thì cần mang bảo hộ lao động phù hợp.

Nếu nghi ngờ có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với cán bộ y tế để xin tư vấn, xét nghiệm và được chăm sóc y tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm