3 thách thức lớn đối với lao động nữ

Gia Khanh
01/05/2023 - 13:02
ILO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào việc làm. Hiện lao động nữ đang đối mặt 3 thách thức lớn: Khó tìm việc làm, khoảng cách tiền lương và tai nạn nghề nghiệp.

Khó tìm việc làm

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khả năng tiếp cận việc làm, điều kiện làm việc và chênh lệch lương của phụ nữ hầu như không được cải thiện trong 2 thập kỷ qua. Tình trạng mất cân bằng giới trong tiếp cận việc làm và điều kiện làm việc đang nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ trước đây và tốc độ giải quyết vấn đề này chậm một cách đáng thất vọng trong giai đoạn 2005-2022. Phụ nữ vẫn gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm so với nam giới. Dữ liệu cho thấy khoảng cách giới trong thị trường lao động khi 15% phụ nữ trong độ tuổi lao động trên toàn cầu muốn đi làm nhưng không có việc làm, so với 10,5% ở nam giới.

Khoảng cách về việc làm đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ phụ nữ không thể tìm được việc làm lên tới 24,9% ở các nước có thu nhập thấp.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, khoảng 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động không có cơ hội kinh tế bình đẳng và 178 quốc gia đang duy trì các rào cản pháp lý ngăn cản sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế. Rõ nét nhất là sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động ở Ấn Độ thuộc hàng thấp nhất thế giới, khoảng 670 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động không có việc làm. Theo Trung tâm giám sát kinh tế Ấn Độ, chỉ có 10% phụ nữ Ấn Độ trong độ tuổi lao động được tuyển dụng trong năm ngoái. Điều đó có nghĩa chỉ có khoảng 39 triệu phụ nữ Ấn Độ trong độ tuổi lao động đi làm, thấp hơn nhiều so với 361 triệu nam giới.

3 thách thức đặt ra với lao động nữ - Ảnh 1.

Phụ nữ làm việc ở các lĩnh vực - Ảnh minh họa

Chêch lệch khoảng cách về lương

Theo kết quả nghiên cứu "Nữ giới trong Công việc và Chỉ số Trao quyền Toàn cầu" vừa được công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC công bố, với tốc độ thu hẹp khoảng cách thu nhập theo giới tính như hiện tại, sẽ phải mất hơn 50 năm để đạt được mức lương bình đẳng giới.

Còn theo ILO, trên toàn cầu, với mỗi USD thu nhập lao động mà nam giới kiếm được, phụ nữ chỉ kiếm được 51 cent. Ngoài ra, có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, phụ nữ kiếm được lần lượt 33 cent và 29 cent so với 1 USD mà nam giới kiếm được. Tại các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trung bình cao, thu nhập lao động tương đối của phụ nữ lần lượt là 58 cent và 56 cent.

ILO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào việc làm, tăng cường khả năng tiếp cận việc làm giữa các ngành nghề và thu hẹp khoảng cách về chất lượng công việc mà phụ nữ phải đối mặt.

Theo WB, khoảng cách thu nhập trọn đời dự kiến giữa nam giới và nữ giới trên toàn cầu lên tới 172.000 tỷ USD, gấp 2 lần tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của cả thế giới.

Tai nạn nghề nghiệp

Theo ILO, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lao động trên thế giới phải gánh chịu hậu quả của tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến công việc. Mỗi ngày có hơn 8.000 trường hợp tử vong. Mức độ thiệt hại là vô cùng lớn, cả đối với cá nhân, khó khăn mà họ phải gánh chịu cũng như tổn thất về kinh tế.

Với việc ghi nhận an toàn sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN) là một quyền cơ bản, ILO gửi tới các chính phủ và người sử dụng lao động một thông điệp rõ ràng rằng họ phải có trách nhiệm tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho mọi người lao động.

Lao động cưỡng bức và lao động trẻ em cũng như phân biệt đối xử dựa trên giới, tuổi tác, tình trạng di cư, việc làm và nghề nghiệp về cơ bản đều có mối liên hệ với an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, nam giới, phụ nữ, người già, thanh niên và những người dễ bị tổn thương sẽ tiếp tục phải làm việc cực nhọc trong những hoàn cảnh nguy hiểm, nơi tai nạn xảy ra phổ biến và hiếm khi thuộc diện bao phủ của an sinh xã hội.

Theo một báo cáo của ILO, 75,6 triệu lao động giúp việc gia đình trên thế giới phải đối mặt với nhiều rào cản để được hưởng bảo hiểm hợp pháp và tiếp cận hiệu quả với an sinh xã hội. Chỉ có 6% lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới được tiếp cận với bảo trợ xã hội toàn diện. 76,2% tổng số lao động giúp việc gia đình (tương đương 57,7 triệu người) là phụ nữ nên những khoảng trống về bảo trợ xã hội khiến phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương.

Nguồn: ILO, WB
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm