pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Nguy cơ mất việc, giảm thu nhập với lao động nữ ngoài 35 tuổi
Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN
Chị Trần Thị Hà, chủ xưởng dệt vải ở Hà Nam, cho biết, "dư âm" của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trong đó có xưởng dệt của chị, chưa thể phục hồi.
Xưởng dệt của chị tạo việc làm cố định và thời vụ cho 10 lao động nữ tại địa phương. Những thời điểm đơn hàng dồn dập, chị em phải thay nhau tăng ca để làm. Nhưng từ khi "bão Covid" ập đến, xưởng nhiều lần phải thu hẹp quy mô và cắt giảm nhân công. Xưởng chỉ hoạt động khi có đơn hàng, mà từ đầu năm tới nay, xưởng mới chỉ nhận được 2 đơn hàng nhỏ. Cố gắng cầm cự nhưng lãi vay ngân hàng để đầu tư máy móc thì chị vẫn phải trả.
"Mình đã vậy, với chị em công nhân tại xưởng thực sự khá khó khăn, bởi các chị đều ở độ tuổi 35-55. Độ tuổi này khó, hay nói chính xác hơn là không đủ điều kiện để xin vào làm công nhân nhà máy tại các vùng lân cận. Độ tuổi, trình độ hạn chế, việc làm, thu nhập không có mà trách nhiệm gia đình đặt nặng trên vai, nên đời sống chị em chật vật lắm. Không chỉ xưởng của tôi, mà nhiều xưởng khác, thậm chí cả các nhà máy xung quanh, cũng gặp khó khăn", chị Hà trăn trở.
Mở rộng ra bức tranh lao động, việc làm của cả nước, theo báo cáo Tổng cục Thống kê, bình quân một tháng trong quý I/2023, có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tương đương mỗi ngày có khoảng 670 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường). Số lao động nghỉ giãn việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng trong quý đầu năm 2023 giảm, trong khi đó số lao động mất việc tăng lên.
Cụ thể, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp diễn sang quý I/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Trong quý IV năm 2022, cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp. Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc, trong đó, đa số (55,2%) là lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử. Đây đều là những ngành tập trung đông lao động nữ.
TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD), cho rằng, thời gian gần đây, những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 vẫn còn "dư âm" rất nặng nề, các doanh nghiệp trong ngành da giày, dệt may - những ngành sử dụng đông lao động nữ, tiếp tục gặp khó khăn do đơn hàng giảm sút. Điều này tác động trực tiếp tới đời sống, thu nhập của người lao động.
Trong bối cảnh đó, lao động nữ ngoài 35 tuổi là nhóm có nguy cơ cao bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập. Thực tế, nhóm lao động nữ ngoài 35 tuổi, độ tuổi bị các chủ doanh nghiệp cho là "có nhiều vấn đề hạn chế với tuổi tác, ít cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề" trước xu thế thay đổi nhanh chóng. Vì thế, họ ít có cơ hội tìm được việc làm mới.
Bài sau: Giải pháp bảo đảm việc làm bền vững cho lao động nữ ngoài 35 tuổi