pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việc làm cho lao động nữ nông thôn trong kỷ nguyên số: Tăng cường đào tạo, kiến thức nghề nghiệp để có việc làm bền vững
Đó là nội dung được chuyên gia Dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TPHCM chia sẻ tại Diễn đàn "Kết nối nâng cao cơ hội việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn trong kỷ nguyên số" năm 2023, do TW Hội LHPN Việt Nam, phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 18/4/2023 tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương; đại diện cấp ủy, chính quyền huyện Phú Giáo, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện Phú Giáo, Bình Dương.
Mở đầu diễn đàn, bà Trần Thị Huyền Thanh, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban công tác phía Nam, TW Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2021, phụ nữ chiếm 50,2% dân số cả nước; chiếm 46% tỉ lệ tham gia lực lượng lao động. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, lực lượng lao động nữ chiếm 70%. Tỉ lệ nữ trong độ tuổi lao động tại Việt Nam là 70,9%, cao hơn nhiều so với lực lượng lao động nam tại Việt Nam cũng như thế giới. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo là rất cao, trên 87%. Trong đó, khu vực nông thôn là 92,8%; tại thành thị là 71,2%. Yếu tố đào tạo dẫn đến tiền lương, thu nhập của lao động nữ chỉ bằng 88% so với tiền lương của lao động nam.
Đặc biệt hơn, trước bối cảnh kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp đang từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tái cơ cấu sản xuất và dần chuyển đổi sang tự động hóa trong sản xuất. Điều này dẫn đến khả năng trong tương lai không xa, một lượng lớn lao động nữ sẽ mất việc làm nếu không được đào tạo nghề và trang bị kiến thức nghề nghiệp phù hợp.
Cùng với nhận định trên, chuyên gia Dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TPHCM chỉ ra rằng, dù chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu lao động nhưng lao động nữ chưa qua đào tạo là một trong những nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động và mang nhiều đặc trưng nhân khẩu - xã hội bất lợi (tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tập trung chủ yếu nhóm nghèo, sống ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, học vấn thấp)…
Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, bên cạnh những cơ hội mới được mở ra cho phụ nữ đồng thời cũng làm gia tăng bất bình đẳng giới trong khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, khiến nhóm lao động nữ có trình độ chuyên môn thấp phải đối diện với nguy cơ mất việc làm.
"Theo khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ trong các doanh nghiệp cho thấy trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, định hướng nghề nghiệp vẫn theo hướng truyền thống (dệt, may, dịch vụ, bán hàng...); đa số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, bấp bênh, thu nhập thấp, dễ mất việc làm. Lao động nữ chiếm trên 70% ở các ngành dệt may, da giày, chế biến nông sản. Trong khi đó, lao động nam tập trung ở các ngành giao thông, xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin…", chuyên gia Trần Anh Tuấn cho biết thêm.
Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện yêu cầu kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng cơ bản. Trong đó, 1/5 công việc cần những kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu. Theo đó, kỹ năng số bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số.
"Chất lượng lao động thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm chưa cao là một trong những rào cản khiến phụ nữ nông thôn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi việc làm và tiếp cận với thị trường lao động. Tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo nghề và bổ sung đào tạo, cập nhật kiến thức nghề nghiệp cho phụ nữ nông thôn, được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm bền vững", chuyên gia Trần Anh Tuấn nhận định.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tào thường xuyên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Phụ nữ chiếm vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngoài các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tại Khoản 3, Điều 62 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 có đề cập: "Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ".
Phát biểu tại diễn đàn, bà Phạm Thị Thanh, Ủy viên BCH, Phó trưởng Ban Hỗ trợ phát triển Kinh tế - TW Hội LHPN Việt Nam cho rằng, để hiện thực hóa các của chính sách, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đối với lao động nữ, bao gồm lao động nữ nông thôn và cần có sự chung tay của các ngành, đoàn thể. Đặc biệt là sự tâm huyết, sáng tạo của Hội LHPN các cấp trong việc vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia học nghề; tích cực sáng tạo, thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể hoặc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp…
"Trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp sẽ thực hiện một số nội dung quan trọng: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025; triển khai Đề án 01/2023 của Chính phủ về "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030"; Chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động gần gũi với nhu cầu thực tiễn của phụ nữ, nhưng tranh thủ nguồn lực của các cấp, các ngành tại địa phương", bà Phạm Thị Thanh, Ủy viên BCH, Phó trưởng Ban Hỗ trợ phát triển Kinh tế - TW Hội LHPN Việt Nam chia sẻ.