4 người con thành đạt thoái thác việc chăm sóc mẹ già đau ốm

Thanh Tâm
12/07/2021 - 20:33
4 người con thành đạt thoái thác việc chăm sóc mẹ già đau ốm

Ảnh minh họa

Bà rất mong chờ vào các con. Không ngờ các con lại lấy lý do để thoái thác việc chăm sóc mẹ trong bệnh viện.

Câu chuyện của người mẹ này có thể không phải là hiếm nhưng cứ mỗi lần gợi nhớ đến lại rất đau lòng. Bà vẫn luôn tự hào khi có 4 người con giỏi và thành đạt. Bà cảm thấy thật bõ công sinh thành, nuôi dưỡng các con nên người. Bà tin các con mình đều là những người biết nghĩ và nếu mình xảy ra chuyện gì, các con sẽ quan tâm, chăm sóc tận tình như những gì bà đã dành cho các con. Nhưng thực tế đau lòng, càng kì vọng bao nhiêu càng cảm thấy tổn thương bấy nhiêu.

Bà năm nay hơn 70 tuổi, cái tuổi chẳng còn nói muốn khỏe là trời cho được khỏe. Chỉ cố gắng ít bệnh tật để đỡ làm phiền con cái. Hai vợ chồng bà ở quê có sào ruộng thì trồng mấy luống rau, nuôi mấy con gà, con vịt để vui tuổi già. Các con đều đi làm xa, đứa nào về thăm thì có cây nhà lá vườn để chiêu đãi. Mọi thứ đều yên ả cho đến khi bà bị ốm. Hơn 1 tháng nay, bà cảm thấy khó chịu, ho nhiều và mệt mỏi. Thấy lo lắng nên ông đưa bà đi khám. Ban đầu, bệnh viện huyện kết luận bà bị viêm họng mạn tính, cho thuốc ngậm và kháng sinh rồi về.

Uống hết đợt thuốc, bà thấy bệnh vẫn không thuyên giảm, hơn nữa còn thấy ho ra máu, nhiều đờm, nên lúc đó mới nói với các con. Trong 4 chị em, thằng út là người thành công và có điều kiện nhất nên vợ chồng bà tin tưởng, gửi gắm nhiều kỳ vọng vào con. Sau khi con đưa lên bệnh viện ở Hà Nội khám, bà được chẩn đoán bị lao. Có kết quả xét nghiệm Covid-19, nếu âm tính, bà sẽ nhập viện điều trị. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, ông họp các con lại để bàn kế hoạch chăm sóc mẹ.

Bà rất mong chờ vào các con. Không ngờ các con lại lấy lý do để thoái thác việc chăm sóc mẹ trong bệnh viện. Con gái lớn phải chăm chồng ốm, cũng hay mệt mỏi nên xin phép sau khi mẹ được về nhà sẽ chăm sóc, vì vào nằm trong khoa Truyền nhiễm nhiều ngày sợ lây bệnh rồi lây cho chồng.

Con gái thứ hai mới có cháu nội, con dâu vừa đẻ được hơn 1 tháng nên cũng sợ vào viện có thể bị lây bệnh, rồi lây cho cháu nhỏ. Con út đang là giám đốc nên rất bận, không thể chăm sóc cả ngày, còn con dâu thì phải chăm con nhỏ và đi làm, cũng không thể vào viện.

Cô con gái thứ ba, tuy nhà có cháu nhỏ nhưng vẫn xung phong vào chăm mẹ. Thế nhưng, ngày hôm sau khi bà có kết quả âm tính với Covid-19 và được nhập viện thì con gái thứ ba báo tin cháu bị ốm, phải chăm sóc cháu nên không vào viện với mẹ được. Chị em bàn nhau thuê người chăm sóc mẹ trong viện. Tất nhiên bà không muốn điều đó nên ông chồng già đã theo bà vào viện để chăm.

Bà nằm cùng phòng với 2 người cũng đang bị bệnh lao. Một bà được con trai vào chăm. Bà từng nói chuyện và nghe bà ấy kể đã làm mẹ đơn thân mấy chục năm nay và chỉ có duy nhất người con này. Con trai bà ấy chu đáo, không lo lắng lây nhiễm, còn rất ôn tồn và quan tâm những người bệnh xung quanh. Bà quay sang thấy chồng mình đã hơn 70 tuổi, vẫn phải giặt khăn, lấy thuốc, lấy nước để chăm mình, tủi thân, nước mắt lại trào ra.

Đến lúc này bà mới thấy, đẻ nhiều con hay ít con không quan trọng, điều quan trọng là con cái ra sao mà thôi. Bà vẫn rất yêu thương và hiểu cho hoàn cảnh của các con nhưng không thể xua đi cảm giác tủi thân. Các con góp tiền để trả viện phí, các chi phí khác cho mẹ. Tuy nhiên, có lẽ ở tuổi này, đó không phải là điều mà bà mong muốn. Nhìn cảnh ông già hơn 70 tuổi vẫn lom khom lấy thuốc, lấy nước cho vợ uống, tối thấp thỏm nằm cạnh để trông vợ mà thương. Bốn đứa con mà bà rất đỗi tự hào, giờ khiến bà thất vọng và đau lòng.

Thanh Tâm khuyên bà, điều quan trọng nhất bây giờ là bà hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi và uống thuốc đúng thời gian để nhanh bình phục. Thuốc điều trị bệnh lao là loại kháng sinh mạnh, phải uống trong thời gian dài, nên bà cố gắng ăn uống để nhanh bình phục, không nên suy nghĩ quá nhiều.

Việc thuê một người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp ở bên chăm sóc mẹ 24/24 thực ra là việc nên làm, không phải vì các con đùn đẩy không muốn chăm sóc bố mẹ. Đồng thời, các con của bà nên bàn đến việc quan tâm đến bố thế nào và thay phiên nhau vào thăm, động viên mẹ ra sao mà vẫn đảm bảo an toàn, không lây nhiễm.

Thanh Tâm tin khi bà chia sẻ với các con mọi việc hợp tình hợp lý thì bài học đó không chỉ tác động mạnh mẽ đến các con mà còn ảnh hưởng tốt đến các cháu. Yêu thương cũng cần được hướng dẫn, để không vô tình nghĩ cho mình mà làm tổn thương đến người thân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm