pnvnonline@phunuvietnam.vn
40 năm Giải thưởng Kovalevskaia: Tôn vinh nữ trí thức và thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học

Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Nguyễn Thị Doan (thứ 6 từ trái sang) trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho tập thể, cá nhân đoạt giải
PV: Kính thưa GS.TS Nguyễn Thị Doan, bà đánh giá thế nào về tác động của Giải thưởng Kovalevskaia đối với việc thúc đẩy phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Giải thưởng Kovalevskaia là một giải thưởng cao quý ghi nhận cống hiến của những nhà khoa học nữ xuất sắc có các công trình nghiên cứu đã được vận dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn.
Giải thưởng không chỉ tôn vinh mà còn tạo động lực mạnh mẽ để các nhà khoa học nữ có thể tiếp tục đam mê nghiên cứu khoa học, phấn đấu để có nhiều sản phẩm hơn, có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Và một ý nghĩa hết sức quan trọng của Giải thưởng là việc truyền cảm hứng, động viên những sinh viên thuộc thế hệ tiếp nối trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, Y-Dược, Sinh học, Toán học, Vật lý, Hóa học… để các em có động lực, có mục tiêu, có cơ hội phấn đấu và cống hiến.

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm, một trong những cá nhân được trao Giải thưởng Kovalevskaia - Ảnh: TTXVN
Từ Giải thưởng Kovalevskaia, Ủy ban Giải thưởng đã trao học bổng cho những nữ sinh xuất sắc để các em có cơ hội học tập, noi gương những người đi trước để đạt kết quả tốt hơn. Tôi đánh giá rất cao Giải thưởng và có thể nói rằng, Giải thưởng Kovalevskaia là biểu tượng ghi nhận, tôn vinh, đánh giá và thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu khoa học của phụ nữ.
PV: Hành trình 40 năm của Giải thưởng hẳn có rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng của các thế hệ nhà khoa học nữ được nhận Giải thưởng cao quý này. Bà có thể chia sẻ một vài câu chuyện ấn tượng?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Có một mẫu số chung của tất cả những nhà khoa học nữ, đặc biệt là những người đã được nhận Giải thưởng Kovalevskaia, đó là họ đều rất thông minh, giản dị, khiêm nhường, nhân ái và tinh thần cống hiến, nỗ lực theo đuổi mục tiêu của mình.

Nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2017 ở tuổi 43, thời điểm đó, Phó Giáo sư Trần Vân Khánh (Trường Đại học Y Hà Nội) trở thành nhà khoa học trẻ tuổi nhất được trao giải kể từ năm 1985
Các chị, từ tập thể đến cá nhân, đều là những người chấm dấu son trong lĩnh vực khoa học. Tiêu biểu có thể kể đến nhóm các nhà nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đã thành công trong việc giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con bằng phương pháp mới mà được thế giới công nhận.
Hay Anh hùng lao động Nguyễn Thị Trâm, một người phụ nữ giản dị nhưng công trình nghiên cứu của chị đã sản xuất ra hàng chục loại giống lúa, mang đến những vụ mùa bội thu, giúp cho bà con nông dân có thu nhập tốt hơn. Những giống lúa của chị đã làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Một gương mặt truyền cảm hứng cho nhiều người và cho chính bản thân tôi, đó là GS.TS. Phạm Thị Trân Châu. Chị đã tạo ra nhiều chế phẩm y tế được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Đặc biệt, chị còn mong muốn tạo ra một "ngôi nhà chung" để tập hợp tất cả các nữ trí thức, giúp các chị có nơi để thảo luận, để cống hiến và cũng để tâm sự về sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Chị là một trong những sáng lập viên của Hội nữ trí thức Việt Nam.
Tôi cũng rất khâm phục chị Nguyễn Thị Hòe, Giám đốc Công ty sơn Kova. Thành công trong nghiên cứu khoa học, có của ăn của để rồi, chị đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý thành lập Quỹ giải thưởng Kova, với học bổng Kova dành cho những sinh viên nghèo, giúp các em có cơ hội vượt khó, vươn lên học tập.
Tiếp nối thế hệ đi trước, còn có nhiều gương mặt truyền cảm hứng khác như chị Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, nữ giáo sư toán học thứ hai của Việt Nam; chị Trần Vân Khánh, người Việt Nam đầu tiên triển khai thành công liệu pháp điều trị gene sử dụng mô hình tế bào đối với bệnh lý di truyền…
Vượt qua những khó khăn, dù ở họ, mỗi người có những nét khác nhau nhưng quay lại với mẫu số chung của những nhà khoa học nữ mà tôi đã nói ở trên, họ đều là những người rất giản dị, khiêm tốn, khiêm nhường, nhân ái và nỗ lực theo đuổi đam mê.
PV: Theo bà, Giải thưởng Kovalevskaia có tác động như thế nào đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học-công nghệ tại Việt Nam?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Theo tôi, chính những thành công của các nhà khoa học nữ đã khẳng định vai trò của các chị, không chỉ trong gia đình mà còn trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là trong việc thu hẹp khoảng cách giới.

Các nhà khoa học nữ thuộc Bộ môn Hóa dược, Khoa Công nghệ Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội, tập thể được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022
Các chị không chỉ làm nghiên cứu giỏi mà còn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cơ quan, đơn vị, là viện trưởng, viện phó, hiệu trưởng, hiệu phó các trường. Bên cạnh đó, các chị cũng dành nhiều tâm sức trong việc đào tạo, truyền kinh nghiệm, truyền cảm hứng, truyền "lửa" đam mê cho thế hệ trẻ.
Chúng tôi rất mừng khi hàng năm, trong số sinh viên thuộc khối nghiên cứu cơ bản được trao học bổng, tỷ lệ nữ nhiều hơn nam, từ đó, tạo cho xã hội một cách nhìn khác về vấn đề giới trong nghiên cứu khoa học.
Qua 40 năm hoạt động (từ năm 1985 đến năm 2025), có 22 tập thể, 57 cá nhân được nhận Giải thưởng Kovalevskaia.
Đó cũng là minh chứng cho sự thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực này. Và tôi nghĩ, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học, mong muốn chị em cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
PV: Cùng với những nỗ lực của các nhà khoa học, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có vai trò ý nghĩa đặc biệt. Xin bà chia sẻ một vài quan điểm của mình?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, tạo điều kiện để các nhà khoa học, trong đó có nhà khoa học nữ, phát huy được năng lực, trí tuệ của mình.
Có thể ví Nghị quyết 57 như "khoán 10" trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nghị quyết này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là hiện nay, cả hệ thống chính trị đang quyết tâm đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Từ Nghị quyết 57 này, các cơ quan, tổ chức Đảng, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan phải đổi mới tư duy mạnh mẽ trong việc đánh giá, nhìn nhận vai trò của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của nữ trí thức, nhà khoa học nữ đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Nếu chúng ta thực hiện được như vậy thì lực lượng sản xuất sẽ được giải phóng, trí tuệ của con người sẽ được phát triển, được khai phóng.
Trong bối cảnh mới, dù còn có những khó khăn, song các nhà khoa học nữ đã làm chủ được công nghệ; Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho họ, để họ có thời cơ vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Khi đó, chắc chắn mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới sẽ được hoàn thành.
PV: Kỷ nguyên mới mở ra cơ hội mới, vận hội mới cho đất nước, trong đó có lực lượng nữ trí thức. Bà nhận định thế nào về vai trò của nữ trí thức trong giai đoạn tới?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Thời gian qua, các nhà khoa học nữ đã vươn lên làm chủ được khoa học-công nghệ trong các lĩnh vực Y, Dược, rồi công nghiệp nặng, lọc hóa dầu, điện tử, năng lượng mặt trời…
Trong hoàn cảnh nào, nhà khoa học nữ vẫn nắm bắt được tiến bộ khoa học, tận dụng được thời cơ để góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Tôi nghĩ rằng, trong thời kỳ mới, đội ngũ nữ trí thức sẽ có nhiều cơ hội phát triển năng lực, trí tuệ, có thêm nhiều công trình nghiên cứu khoa học, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong xã hội.
Lễ Kỷ niệm 40 năm Giải thưởng Kovalevskaia, trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 dự kiến diễn ra sáng ngày 8/3/2025 tại Trụ sở Chính phủ.
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 sẽ được trao cho 2 cá nhân: PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất Thiên nhiên, giảng viên Khoa Kỹ thuật Hoá học, Trường Hoá và Khoa học Sự sống, Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS.TS Đặng Thị Mỹ Dung, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nano, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, góp phần vào sự phát triển của đơn vị, của ngành, nhiều kết quả nghiên cứu đi vào thực tiễn, chuyển giao công nghệ hàng tỉ đồng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.