40.000 trẻ em phải làm việc các khu mỏ ở Congo

02/09/2017 - 13:10
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có khoảng 40.000 trẻ em đang làm việc mỗi ngày tại các khu mỏ trên khắp Cộng hòa Congo. Đổi lại vài đồng tiền, các em phải chấp nhận nguy cơ suy giảm sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí là cái chết.
“Bán mạng” để có 3.000 đồng/ngày

Nhặt từng viên đá bằng đôi tay không, cậu bé gầy gò, đen đúa thở dài với cái nhìn đau khổ. Tên em là Dorsen (8 tuổi). Bên cạnh em là bé Monica, 4 tuổi, cũng đang làm việc ở Katanga, một khu mỏ khai thác cobalt bị ô nhiễm nặng ở Congo.
a3.jpg
Những đứa trẻ dùng tay không để tìm quặng


Hai em cùng hàng chục trẻ em khác đang làm việc suốt ngày đêm tại khu mỏ ô nhiễm, bụi bặm, nơi chất độc phủ đầy những đôi mắt ngây thơ và nguy cơ ung thư da hay phổi luôn rình rập. Trẻ em làm việc trong mỏ này nhận được tiền công 8 pence, tương đương gần 3.000 đồng/ngày.

Với mức lương rẻ mạt, các em phải làm việc vất vả để tìm ra được quặng cobalt - nguyên liệu chính cho các loại pin lithium-ion (dùng cho điện thoại thông minh). Với ưu điểm lưu trữ lượng điện năng lớn cùng độ bền cao, pin lithium-ion tạo ra cuộc cách mạng với điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay những chiếc xe ô tô sử dụng năng lượng điện, phương tiện được coi là giải pháp của tương lai cho vấn đề ô nhiễm môi trường.

Do đó, cobalt trở thành thứ kim loại quý hiếm mà nhiều nhà sản xuất lớn săn lung bằng được từ quốc gia nghèo khó Congo. Nhiều người lo sợ rằng khi thế giới chuyển qua xu hướng dùng pin lithium-ion, ngày càng có nhiều trẻ em phải làm việc trong những địa ngục này.
a2.jpg
Bé Monica mới lên 4 tuổi cũng phải “bán mạng” trong khu mỏ thổ phỉ


Công việc chính của Dorsen là dùng đôi bàn tay bé nhỏ của mình để đào bới, tìm kiếm cobalt. Một người canh gác đứng bên cạnh giám sát công việc của Dorsen. Bất chấp trời mưa tầm tã, những đứa trẻ như Dorsen vẫn phải lầm lũi lao động trong những vũng bùn lầy lội, cố đội trên đầu những bao quặng nặng trĩu về nơi tập kết.

Người giám sát sẽ hét lên và giơ tay đe dọa đánh đập nếu Dorsen chểnh mảng công việc.
Dorsen có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ em mất sớm, em sống cùng cha trong túp lều tồi tàn. Hai cha con phải làm việc hằng ngày trong mỏ cobalt để kiếm tiền. Richard (11 tuổi), một người bạn của Dorsen, cho biết sau sau một ngày làm việc, cơ thể các em đều mỏi nhừ, đau đớn.

Dẫu vậy, các em không có lựa chọn nào khác khi cảnh đời túng quẫn, chưa có một bữa nào được ăn no. Các em phải đổi máu và nước mắt để có những đồng tiền công ít ỏi.
 a1.jpg
Dorsen và các bạn làm việc dưới trời mưa tầm tã mà người giám sát vẫn luôn đe dọa đánh đập

Hiểm họa trong các khu mỏ “thổ phỉ”

Dù Congo có những điều luật để ngăn chặn tình trạng lạm dụng lao động trẻ em nhưng dường như người ta đều phớt lờ để vét cho đầy túi tham. Những khu mỏ “thổ phỉ” này là nơi 40.000 trẻ em phải chịu cảnh bóc lột trong điều kiện làm việc chẳng khác gì nô lệ. Đổi lại vài đồng tiền ít ỏi, các em có nguy cơ mắc bệnh ngoài da và bệnh phổi, thậm chí là tử vong.

Những đứa trẻ phải đào sâu xuống lòng đất với những công cụ thô sơ và không có đồ bảo hộ hay máy móc. Đôi khi, các em bị ép phải chui xuống những khu hầm nhỏ hẹp và chật chội để khai thác với nguy cơ bị sập hầm bất cứ lúc nào.
photo-2-1502041808521.jpg
Những mỏ cobalt tại Congo là một trong những nơi bóc lột lao động trẻ em tồi tệ nhất


Liên hợp quốc ước tính số trẻ em đã thiệt mạng tại các khu khai thác quặng cobalt tại vùng Katanga là 80 em/năm. Thậm chí, nhiều bé gái đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tình dục và mang thai khi còn quá nhỏ.

Ngoài ra, các em chẳng hay biết về những nguy hiểm sức khỏe mà mình đang đối mặt từng ngày. Cobalt được coi là một trong những kim loại gây nguy hiểm cho con người, chưa nói tới việc hấp thụ trực tiếp cobalt vào người. Chỉ cần ăn rau trồng trên đất có nhiễm cobalt có thể khiến người ta buồn nôn, bị tiêu chảy, ảnh hưởng đến phổi và đường tiêu hóa.

Thế nhưng, các em phải tắm giặt, uống nước chảy ra từ các mỏ khai thác sau khi chúng lắng hết cặn. Số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan tới hô hấp và dị tật bẩm sinh tăng đột biến cùng với cơn sốt cobalt ở quốc gia Trung Phi nghèo khó này.

Tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn khi nạn tham nhũng tràn lan khiến mạng sống con người bị coi rẻ. Bác sĩ Becha Gibu sống ở làng Kimpesa cho biết, nhiều đứa trẻ có dấu hiệu của một căn bệnh bí ẩn: Cơ thể chúng bị lở loét, phát ban và nhiễm trùng khắp người. Nhiều bà mẹ cũng gặp dấu hiệu bất thường trong quá trình mang thai và sinh con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm