pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 căn bệnh phổ biến ở tuổi trung niên và cách phòng tránh
Các vấn đề về lưng, cao huyết áp, viêm phế quản, viêm khớp và tiểu đường là 5 căn bệnh phổ biến nhất ở độ tuổi trung niên. Ảnh: PA
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Public Health (Anh) đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 7.951 người trong độ tuổi trung niên từ 46 đến 48 tuổi. Kết quả chỉ ra, 34% những người trong độ tuổi này mắc từ 2 căn bệnh mãn tính trở lên. Nghiên cứu cũng chỉ ra 5 căn bệnh nguy hiểm phổ biến nhất ở độ tuổi trung niên, cần phát hiện kịp thời để được chữa trị hiệu quả.
1. Các vấn đề về lưng ở độ tuổi trung niên
1. 1. Dấu hiệu cảnh báo
Đau lưng không phải là vấn đề hiếm gặp ở nhiều người. Những cơn đau lưng do yếu tố công việc hoặc thời tiết thường sẽ khỏi sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, cơn đau lưng kéo dài trong vài tuần, thậm chí vài tháng mà không thuyên giảm có thể là dấu hiệu của đau lưng mãn tính.
1. 2. Cách phòng tránh
Nếu có thể, nên tránh ngồi lâu và ngồi thẳng lưng hoặc đúng tư thế. Ngoài ra, cần cân nhắc nghỉ ngơi và vận động thường xuyên. Nhiều người thường mua bàn hoặc ghế hỗ trợ ngồi đúng tư thế để giảm nguy cơ đau lưng và các vấn đề sức khỏe về lưng khi lớn tuổi.
Hơn nữa, chọn loại nệm thích hợp cũng góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe của lưng. Một lối sống lành mạnh không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có thể bảo vệ lưng bởi một số bệnh như béo phì có thể gây nguy hiểm đối với lưng và cột sống.
2. Cao huyết áp
2. 1. Dấu hiệu cảnh báo
Huyết áp cao thường không đi kèm với nhiều dấu hiệu để có thể nhận biết. Vì vậy, các bác sĩ khuyên những người trên 40 tuổi nên thường xuyên kiểm tra huyết áp ít nhất 5 năm 1 lần để có thể theo dõi và phát hiện tình trạng cao huyết áp sớm nhất. Cao huyết áp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh về thận.
2. 2. Cách phòng tránh
Theo các bác sĩ, phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất chống lại cao huyết áp là duy trì một lối sống lành mạnh. Những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu hoặc uống hơn 4 ly cà phê mỗi ngày đều góp phần làm tăng nguy cơ cao huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác.
Ngoài ra, chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc chứng cao huyết áp. Đặc biệt, muối là tác nhân gây tăng huyết áp hàng đầu trong chế độ ăn uống. Các bác sĩ ở Anh khuyên mọi người không nên ăn quá 6 gram muối (khoảng 1 thìa cà phê) mỗi ngày.
3. Viêm phế quản
3. 1. Dấu hiệu cảnh báo
Viêm phế quản thường có xu hướng phát triển do cảm lạnh và thường biểu hiện bằng những cơn ho, có đàm, khó thở, mệt mỏi hoặc khó chịu ở ngực. Viêm phế quản cấp tính thường phổ biến, tuy nhiên nếu các dấu hiệu trên xuất hiện lâu dài, có thể dẫn đến viêm phế quản mãn tính.
3. 2. Cách phòng tránh
Hút thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến viêm phế quản, kể cả cấp tính và mãn tính. Vì vậy, cần loại bỏ thói quen xấu này để tránh mắc viêm phế quản ở độ tuổi trung niên. Ngoài ra, một số yếu tố khác như môi trường không khí ô nhiễm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại cũng góp phần tăng nguy cơ mắc viêm phế quản mãn tính. Cần đảm bảo môi trường sống và làm việc được sạch sẽ, thông thoáng để tránh ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp và phế quản.
4. Viêm khớp
4. 1. Dấu hiệu cảnh báo
Đau khớp ở các vị trí khác nhau như tay, hông và đầu gối là dấu hiệu của viêm khớp. Nhiều trường hợp dẫn đến cử động hạn chế, xưng, đau hoặc đỏ xung quanh khu vực bị ảnh hưởng. Tuổi trung niên hoặc bất kỳ độ tuổi nào thường xuyên mắc phải các dấu hiệu này cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất.
4. 2. Cách phòng tránh
Yếu tố di truyền là tác nhân lớn gây ra sự phát triển của viêm khớp. Những người có tiền sử gia đình mắc viêm khớp thường có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn những người khác. Ngoài ra, thừa cân cũng là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến các khớp, đặc biệt là khớp gối. Hơn nữa, hút thuốc cũng khiến sức khỏe của các khớp yếu dần đi nhưng thường không biểu hiện rõ ràng.
Độ tuổi trung niên cần cẩn thận trong các hoạt động thể chất hàng ngày, đặc biệt chú ý đến tư thế khi nâng các vật nặng. Những chấn thương trong quá trình làm việc hoặc khi chơi thể thao đều có thể ảnh hưởng đến viêm khớp. Ngoài ra, chế độ ăn uống bổ sung canxi cũng giúp tăng cường sức khỏe xương khớp.
5. Bệnh tiểu đường
5. 1. Dấu hiệu cảnh báo
Tiểu đường là bệnh rất phổ biến trên toàn thế giới, không chỉ ở độ tuổi trung niên. Chỉ riêng ở Anh, có khoảng 200.000 trường hợp mới được chẩn đoán mắc tiểu đường type 2 mỗi năm và khoảng 3,4 triệu người đang sống chung với căn bệnh này.
Các dấu hiệu tiểu đường ban đầu bao gồm nhanh mệt, khát nước quá mức, đi tiểu thường xuyên, vết thương khó lành hoặc ngứa xung quanh bộ phận sinh dục. Bệnh có thể diễn biến nặng nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
5. 2. Cách phòng tránh
Lối sống ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ mắc tiểu đường và lượng đường trong máu cao dễ dẫn đến mắc tiểu đường type 2. Để giảm nguy cơ này, mọi người cần tập luyện thể dục thường xuyên, giảm cân, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ít đường. Hơn nữa, giữ tinh thần lạc quan khi mắc bệnh cũng là một phương pháp giúp cải thiện sức khỏe cho những bệnh nhân tiểu đường.