5 nhóm hành vi bạo lực gia đình cần được bổ sung vào dự thảo luật

PVH (lược ghi)
26/10/2022 - 21:19
5 nhóm hành vi bạo lực gia đình cần được bổ sung vào dự thảo luật

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, đoàn ĐBQH Hà Nội, thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại hội trường chiều 26/10, có đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã quy định 15 nhóm hành vi bạo lực gia đình, tuy nhiên vẫn còn thiếu 5 nhóm hành vi bạo lực gia đình khác cần được bổ sung vào dự thảo luật này.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, đoàn ĐBQH Hà Nội, cho rằng: Đề phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là phải "xác định cho được - xác định cho đúng - xác định cho đủ" hành vi bạo lực gia đình.

Tại khoản 1 Điều 3, dự thảo Luật quy định 15 nhóm hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đại biểu này tham chiếu với quy định của Bộ luật hình sự thì còn thiếu 5 nhóm hành vi; cụ thể:

Thứ nhất, "hành vi xâm phạm quyền tự do" của con người, quyền tự do dân chủ của thành viên gia đình, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình hội họp hợp pháp; ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Cản trở việc khiếu nại, tố cáo thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin. Cản trở thành viên gia đình tham gia các hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa thông tin, thể dục, thể thao, y tế. 

Thứ 2, "hành vi xâm phạm quyền sở hữu" của các thành viên gia đình như: Chiếm giữ trái phép, sử dụng trái phép, cố ý làm hư hỏng tài sản.

Thứ 3, "hành vi bạo lực về tâm lý" như cô lập, xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý, kích động tình dục, lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình; ép buộc thành viên gia đình làm công việc nặng nhọc nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động. Ép buộc thành viên gia đình đi xin ăn hoặc lang thang kiếm sống.

Thứ 4, "hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng", từ chối trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh chị em với nhau; trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Thứ 5, "hành vi sử dụng truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình".

Đại biểu Quốc hội: Cần xác định cho "Được – Đúng - Đủ" hành vi bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Toàn cảnh nghị trường

Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, để không sót lọt hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là trong bối cảnh tình hình bạo lực gia đình ngày càng tăng hiện nay, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo luật những hành vi nêu trên.

Theo đại biểu này, dự thảo luật cần phân hành vi bạo lực gia đình thành 6 nhóm trên cơ sở hành vi xâm hại: Nhóm thứ nhất là hành vi bạo lực liên quan tới tính mạng, sức khỏe; nhóm thứ 2, các hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự. Nhóm 3 là các hành vi xâm phạm sở hữu. Nhóm 4 là các hành vi xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân, các hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Nhóm 5 là các hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân. Nhóm 6 là các hành vi xâm phạm an toàn công cộng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm