Cần quy định bồi thường bằng tài sản riêng của người có hành vi bạo lực gia đình

Hải Yến (ghi)
26/10/2022 - 17:52
Cần quy định bồi thường bằng tài sản riêng của người có hành vi bạo lực gia đình

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng)

Nhiều trường hợp xử lý các hành vi bạo lực gia đình bằng hình thức tuyên truyền, tư vấn, hòa giải nhưng chưa kịp thời có các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực một cách phù hợp, dẫn đến hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguyên nhân bạo lực đến từ sự cam chịu và bất bình đẳng

Chiều 26/10, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV đã dành thời gian thảo luận về Dự án Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bên lề Quốc hội, chia sẻ với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, thực tế cho thấy, những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, sự tồn tại của bạo lực gia đình ở cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu là ở nhóm phụ nữ, trẻ em nhiều khi là do sự cam chịu bất bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình như: chồng nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật hay có các hành vi lệch chuẩn; sự thiếu hiểu biết pháp luật và các quy chuẩn xã hội của cả vợ chồng và các con, trình độ học vấn thấp không biết mình có những quyền gì, nên không dám đấu tranh vì lẽ phải cùng với tính tự ti, nhu nhược của người vợ đã góp phần để bạo lực gia đình phát triển. Các vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt còn quá nhẹ, tính phòng ngừa răn đe còn hết sức hạn chế.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho biết, cá nhân bà nhất trí cao với sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới gắn với sự phát triển của xã hội, đảm bảo phát động của luật khi được ban hành phục vụ hiệu quả tốt nhất cho công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Cần có biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn sức khoẻ và tính mạng của người bị bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cần quy định bồi thường bằng tài sản riêng của người có hành vi bạo lực gia đình

Ngoài ra, bà Trịnh Thị Tú Anh có một số ý kiến đóng góp để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo như sau:

Về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 4), đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề xuất bổ sung thêm 1 nguyên tắc đó là: "Bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực là trên hết và người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình".

Vì trên thực tế hiện nay, rất nhiều trường hợp xử lý các hành vi bạo lực gia đình bằng các hình thức tuyên truyền, tư vấn, hòa giải nhưng chưa kịp thời có các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực một cách phù hợp dẫn đến có nhiều hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Về trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 10), tại khoản 4, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả gây ra là cần thiết, tuy nhiên cần quy định chi phí này phải là tài sản riêng của người có hành vi bạo lực gia đình, còn nếu lấy vào tài sản chung của gia đình thì việc bồi thường không còn ý nghĩa nữa, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu.

Về bồi dưỡng người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 45), tại khoản 2 đã liệt kê người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, còn đối tượng khác như Hòa giải viên theo Luật hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng nhằm giữ gìn đoàn kết và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, củng cố phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra còn có Hòa giải viên theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định.

Bên cạnh đó, Trợ giúp viên pháp lý theo luật Trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý cũng có trách nhiệm trợ giúp pháp lý cho nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình và tham gia phòng chống bạo lực gia đình.

Các đối tượng trên cũng đã được quy định trách nhiệm trong một số điều cụ thể của dự án luật. Vì vậy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đối tượng là Hòa giải viên, Trợ giúp viên pháp lý là người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm