5 thói quen nguy hiểm khi nấu ăn khiến cả gia đình đổ bệnh

Đậu Đậu
16/07/2022 - 11:26
So với việc đặt đồ ăn bên ngoài, nấu ăn tại nhà là giải pháp an toàn và bổ dưỡng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thậm chí tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ.

1. Không bật máy hút mùi khi nấu ăn để tiết kiệm điện

Nhiều gia đình Việt không có thói quen bật máy hút mùi khi nấu ăn, hoặc chỉ bật khi nấu những món có mùi tanh như rán cá, nấu canh lươn, chiên thịt ếch... Đây là một thói quen sai lầm vì khói bếp là "thủ phạm giấu mặt" làm tổn thương hệ hô hấp, có thể gây bệnh ung thư.

Thống kê cho thấy, mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người tử vong do mắc các bệnh liên quan đến việc hít khói sinh ra trong quá trình nấu nướng.

meo-chien-ran-dau-mo-khong-bi-ban-202006121408395553.jpg

Một nghiên cứu của các nhà khoa học người Anh cũng cho thấy, nếu phụ nữ nấu ăn trong điều kiện thông gió kém, khói nhà bếp sẽ ảnh hưởng đến cơ thể tương đương với việc hút 2 bao thuốc lá một ngày, cuối cùng dẫn đến mắc bệnh ung thư phổi.

Khói bếp có thể gây hại cho da và hệ hô hấp. Đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh hô hấp, họ còn có các triệu chứng như buồn nôn và khó chịu ở mũi, họng.

Các gia đình nên bật máy hút mùi trong và sau khi nấu ăn 10 phút để đảm bảo khói được hết hết. Đồng thời, môi trường nhà bếp nên thông thoáng, nhiều cửa sổ.

2. Dùng các loại dầu ăn kém chất lượng để nấu ăn

Dầu ăn trên thị trường có vô số loại, trong đó dầu ăn được quảng cáo là "tự ép" được ưa chuộng hơn cả vì các gia đình cho rằng chúng an toàn, không có chất bảo quản.

Nhưng trên thực tế, một số loại dầu tự ép giá rẻ, bán trôi nổi trên thị trường thường rất có thể được sản xuất từ nguyên liệu kém chất lượng như lạc mốc, hạt điều mốc, hạnh nhân mốc... để giảm bớt chi phí. Thực phẩm mốc có thể chứa aflatoxin - một độc tố có khả năng gây ra bệnh ung thư gan cho người sử dụng.

howto_150626_3.jpg

Hơn nữa, dầu tự ép bằng tay cũng không thể bảo quản được lâu, rất dễ bị ôi thiu. Các gia đình nên lựa chọn loại dầu ăn được sản xuất ở những thương hiệu uy tín, được cơ quan chức năng kiểm định về độ an toàn.

3. Tái chế dầu ăn thừa

Cất dầu ăn thừa để chế biến các món ăn khác là thói quen vô cùng nguy hiểm. Bởi dầu ăn khi được chiên rán nhiều lần hoặc sử dụng ở nhiệt độ cao sẽ gây bốc khói dầu.

Dầu ăn bị bốc khói nghĩa là đang bị phân hủy, bị oxy hóa và sẽ hình thành các hợp chất độc như aldehyde và lipid-peroxide. Trong đó aldehyde là chất độc gây ung thư, bệnh tim mạch, mất trí nhớ, dị dạng thai nhi, tăng huyết áp khi ăn hoặc hít phải dù lượng ít.

dau-an-cu.png

Chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, mỗi loại dầu ăn đều có điểm bốc khói khác nhau. Sau mỗi lần tái sử dụng thì nhiệt độ bốc khói của dầu ăn sẽ giảm dần vì vậy điều tốt nhất là không nên dùng dầu ăn đã chiên đi chiên lại.

4. Không rửa tay trước khi nấu hoặc giữa lúc xử lý thực phẩm sống và chín

Bạn nên dành 30 giây để rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thực phẩm sống. Việc truyền vi khuẩn từ thịt gà sống sang thịt nướng có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm hoặc các căn bệnh nguy hiểm cho đường tiêu hóa khác.

rua-thit-lonmuongxin.jpg

5. Dùng quá nhiều nước mắm, bột canh để nấu ăn

Trong gian bếp của người Việt, các loại gia vị như nước mắm, bột canh, dầu hào, xì dầu... luôn có sẵn. Nhưng những loại gia vị này không nên ăn nhiều vì chúng có lượng muối rất lớn.

Thói quen ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.

Các chuyên gia khuyến cáo, người Việt nếu muốn thay đổi thói quen nạp nhiều muối thì nên giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn.

Đồng thời, hãy hạn chế lượng muối, nước chấm đặt trên bàn trong khi ăn; hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm