pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nên xử lý thế nào khi bị ngộ độc ánh nắng mặt trời?
Việc dành quá nhiều thời gian ở ngoài nắng có thể dẫn đến một loạt các nguy cơ về sức khỏe vào mùa hè, từ mất nước nhẹ đến kiệt sức vì nóng, hoặc tệ hơn là say nắng. Tất nhiên, cũng có mối đe dọa thường xuyên của cháy nắng - mặc dù bạn đã nỗ lực hết sức để che chắn bằng mũ, kính râm và kem chống nắng có chỉ số SPF cao.
Cháy nắng nghiêm trọng có thể dẫn đến cảm giác cực kỳ đau đớn, đỏ, phồng rộp và thậm chí là các triệu chứng giống như cúm. Tất cả những triệu chứng này xuất hiện ở một người được gọi là ngộ độc ánh nắng mặt trời. Vậy hiểu sao cho đúng về ngộ độc ánh nắng mặt trời?
Mary L. Stevenson, MD, thuộc Khoa Da liễu Ronald O. Perelman tại NYU Langone Health, giải thích: Ngộ độc ánh nắng mặt trời không hẳn là một chẩn đoán y tế. Nó cũng không liên quan gì đến chất độc thực sự. Đúng hơn, đó là một thuật ngữ chỉ tình trạng cháy nắng thực sự rất trầm trọng.
Cho dù bạn gọi đây là cháy nắng nặng hay ngộ độc do ánh nắng mặt trời thì dưới đây là những điều bạn cần biết để phòng tránh hay điều trị hội chứng này.
1. Các triệu chứng ngộ độc do ánh nắng mặt trời
TS.Stevenson cho biết có một số triệu chứng khi bị cháy (bỏng) nắng thông thường là mẩn đỏ, phồng rộp và đau khi da tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời.
Nhưng cháy nắng ở mức độ nghiêm trọng có thể dẫn tới sưng tấy vùng bị tác động hoặc xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh cảm cúm chẳng hạn: đau đầu, sốt hay buồn nôn. Thường thì bạn sẽ nhận ra các triệu chứng cháy nắng này trong vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng nhưng ngộ độc ánh nắng mặt trời có thể là một ngày hoặc lâu hơn.
Ngoài vết đỏ đặc trưng thì người bị ngộ độc ánh nắng còn bị phồng rộp hoặc phát ban. TS.Stevenson nói rằng, nếu bạn bị rối loạn miễn dịch hay các tình trạng tiềm ẩn về da khác thì bạn có thể gặp phải tình trạng photodermatoses (tạm dịch là Bệnh da do ánh sáng) trong đó dị ứng ánh nắng là dạng phổ biến nhất.
2. Điều trị ngộ độc ánh nắng mặt trời như thế nào?
Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo, điều đầu tiên cần làm khi bạn nhận thấy bị cháy nắng - nghiêm trọng hoặc khác là vào khu vực râm mát. Sau đó đánh giá mức độ cháy nắng. TS.Stevenson cho biết: "Tình trạng phồng rộp nghiêm trọng hay các triệu chứng mất nước cần có sự can thiệp của bác sĩ để kiểm tra chi tiết hơn và điều trị phù hợp. Nếu mụn phồng bao phủ phần lớn cơ thể thì cần tới cơ sở y tế ngay lập tức".
Nếu cháy nắng ở mức độ nhẹ bạn có thể tự xử lý tại nhà bằng cách lau mát cơ thể bằng nước mát để hạ nhiệt cho vùng da bị cháy. Các loại gel như lô hội hay sữa lạnh có thể giúp làm dịu da khá tốt.
Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen cũng có thể giúp bạn vượt qua cho đến khi các triệu chứng cháy nắng giảm bớt - thường là trong vòng vài ngày rồi bắt đầu bong tróc.
Đừng quên uống nhiều nước vì bỏng nắng và ngộ độc ánh nắng mặt trời sẽ khiến cơ thể bị mất nước do quá trình hydrat hóa. Các loại nước có thể uống là điện giải, nước uống thể thao, nước trái cây,...
3. Làm cách nào để phòng tránh ngộ độc do ánh nắng mặt trời?
Vì tác hại từ việc bỏng nắng thực sự rất khó chịu nên bạn cần tuân theo các chỉ dẫn chống nắng quen thuộc để phòng tránh điều này, chẳng hạn như:
- Sử dụng kem chống nắng có phổ rộng SPF từ 30 trở lên để bảo vệ bạn khỏi tác động của tia UVA và UVB
- Cân nhắc tới việc sử dụng các loại quần áo chống nắng từ sợi vải chống tia UV
- Hạn chế ra khỏi nhà vào thời điểm tia UV mạnh nhất, thường là từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều.
Nguồn dịch: The Sun Poisoning Symptoms You Should Know and How to Treat Them