pnvnonline@phunuvietnam.vn
50 năm thống nhất đất nước: Những địa chỉ mang dấu ấn Biệt động Sài Gòn

Ở tầng hai của quán cà phê Đỗ Phủ và cơm tấm Đại Hàn có hầm bí mật, vừa đủ một người chui vào. Căn hầm này được ngụy trang dưới đáy tủ quần áo - Ảnh:VNN
Hộp thư bí mật và hầm nổi Biệt động Sài Gòn
Nằm trên con đường thuộc khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi Biệt động Sài Gòn kết hợp quán cà phê Đỗ Phủ-cơm tấm Đại Hàn trở thành một điểm đến quen thuộc với nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong quán là hàng trăm món đồ xưa cũ, được ông chủ phục dựng. Gọi là quán, nhưng cũng là di tích, và ngược lại, gọi là di tích nhưng cũng là quán. Cách lưu dấu lịch sử và tri ân thật gần gũi và thiết thực. Bởi việc mở quán cũng nằm trong ý tưởng phục dựng địa điểm lịch sử này. Để hoạt động nội đô, các nhà tình báo đã ẩn mình trong nhiều vai, có mối quan hệ rộng rãi với nhiều nhân vật quan trọng của phe đối lập. Họ lái xe hơi ra vào Dinh Độc Lập thường xuyên mà không ai nghi ngờ. Và căn nhà của họ không ai để ý khám xét.
Chính vì vậy mà Hộp thư bí mật và hầm nổi là sự bất ngờ đối với các nhân vật liên quan của chế độ trước 1975, bởi chủ nhà là Mai Hồng Quế, một nhà thầu khoán xây dựng tài ba, giàu có. Nhà tư sản này đã mua căn nhà ngay gần căn biệt thự của trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hoà Ngô Quang Trưởng, giao cho cặp vợ chồng là đàn em thân tín tên Đỗ Miễn mở quán cơm tấm Đại Hàn và cà phê Đỗ Phủ để che mắt. Tất nhiên, không ai có thể ngờ rằng, nhà tư sản Mai Hồng Quế chính là Trần Văn Lai, C trưởng biệt động, thuộc đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Ông Trần Văn Lai - “tỷ phú Mai Hồng Quế”. Ảnh tư liệu
Trong căn nhà của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, lên trên căn gác có chiếc tủ quần áo bằng gỗ. Nơi đó có một hầm bí mật dưới đáy tủ để các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trú ẩn và thoát ra ngoài khi có động. Nếu thấy có điều bất thường, các chiến sĩ sẽ vào bên trong khoá trái cửa, cậy tấm ván đáy tủ lên và thoát ra bằng đường bí mật để ra các đường Trần Quang Khải, Nguyễn Văn Nguyễn và Hai Bà Trưng, Quận 1.
Thương hiệu cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn đã quen thuộc với nhiều người dân Thành phố. Người điều hành chuỗi di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi Biệt động Sài Gòn chính là anh Trần Vũ Bình, con của nhà tư sản Mai Hồng Quế, tức Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai.
Hầm chứa vũ khí bí mật và hầm trú ém quân Biệt động Sài Gòn
Một địa chỉ hoạt động khác của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, đó chính là Hầm chứa vũ khí bí mật và hầm trú ém quân tại trung tâm Quận 3. Căn nhà hiện nằm trong con hẻm 287 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, xung quanh là sự tấp nập buôn bán của ngôi chợ tự phát có từ lâu đời. Căn nhà có vị trí đắc địa, một chiều từ đường Nguyễn Đình Chiểu đi vô, một chiều ra đường Võ Văn Tần, Quận 3. Cách chọn vị trí mua các căn nhà để phục vụ cho hoạt động của biệt động thành của nhà tài phiệt Mai Hồng Quế được đánh giá "không thể thông minh hơn được nữa".
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1968, nhà tài phiệt Mai Hồng Quế đã điều tra, nghiên cứu trước vị trí để mua mấy căn nhà tại đường Nguyễn Đình Chiểu làm kho giấu vũ khí của biệt động thành, mục đích đánh vào Dinh Độc Lập. Trong nhà, ông cho bí mật xây dựng một căn hầm nổi và một căn hầm chìm bên dưới lòng đất. Căn hầm này đã từng cất giấu hơn 2 tấn vũ khí, bao gồm 350 kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn, súng B40, lựu đạn để Đội 5 Biệt động, gồm 15 cán bộ chiến sĩ biệt động thành, tấn công Dinh Độc Lập, đầu não chính quyền tay sai.

Hầm chứa vũ khí bí mật từng cất giấu hơn 2 tấn vũ khí - Ảnh: Đ.T.H
Sau giải phóng, vào những năm 80 của thế kỷ trước, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai đã quyết định công khai căn hầm này, bàn giao cho nhà nước quản lý. Ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1988. Căn hầm hiện được mở cửa cho du khách tham quan miễn phí.
Còn mấy căn nhà mà nhà thầu khoán Mai Hồng Quế đã mua thời trước, sau giải phóng đã được thay đổi chủ vì toàn bộ tài sản của gia đình ông đều được hiến cho Cách mạng. Sau này, người con trai Trần Vũ Bình đã tìm cách mua lại được một căn kế bên căn có hầm chứa vũ khí bí mật để làm nơi trưng bày các vật dụng mà ba anh cùng các chiến sĩ biệt động thành từng sử dụng. Đặc biệt, trong ngôi nhà có trưng bày chiếc xe hơi mà ngày thường nhà tư sản Mai Hồng Quế sử dụng. Biển số của xe được chính "Dinh Độc Lập" cấp riêng.
Garage Citroen
Trong con hẻm 499 đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10, chỉ chạy khoảng 10 mét là tới Garage Citroen Dương Văn Đức D'indochine since 1947 hay còn gọi là Garage Tự Lực. Căn nhà rộng chừng 200m2, với 2 mặt tiền hẻm rộng rãi của con đường trước đây có tên là Lê Văn Duyệt.
Garage Citroen Dương Văn Đức D'indochine since 1947 là của ông bà Dương Văn Đức, tự Hai Diện, xây dựng năm 1947. Garage chuyên sửa xe Citroen Berlingo, Fourgonnette, Ladalat, DS, Peugeot, đặc biệt là các xe của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Từ năm 1963 đến 1968, đây là cơ sở của đơn vị Bảo đảm chiến đấu Biệt động Sài Gòn J9-T700. Ông bà Hai Diện dùng garage làm trụ sở liên lạc, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp, tạm trú và rút lui an toàn. Dưới hình thức là một garage sửa chữa xe hơi và xe gắn máy, nơi đây đã được giao nhiệm vụ thiết kế, "độ" xe, thay đổi kết cấu của xe để có ngăn riêng trên xe chứa vũ khí và tài liệu của Biệt động Sài Gòn. Garage cũng thay đổi màu sơn, biển số xe của các xe đã làm xong nhiệm vụ trở về.

Hai chiếc xe hơi mà ông Dương Văn Đức vẫn thường lái trên đường phố Sài Gòn cùng nhiều chiếc xe của lực lượng Biệt động Sài Gòn được để trong Garage Citroen Dương Văn Đức D’indochine since 1947 - Ảnh: Đ.T.H
Hai chiếc xe ô tô hiện được trưng bày tại đây do ông Dương Văn Đức thiết kế, là phương tiện đi lại của chính ông chủ. Với mối quan hệ quảng giao với giới nhà giàu thời đó, ông Đức ngày thường lái 2 chiếc xe này trên các đường phố của Sài Gòn mà không bị nghi ngờ, kiểm soát. Chính vì vậy, ông Dương Văn Đức đã chở rất nhiều chiến sĩ biệt động ra vào nội đô Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công vào Dinh Độc Lập năm 1968. Hiện, căn nhà được phục dựng như trước đây. Anh Trần Vũ Bình đã kết nối với ông chủ garage Đức vì muốn gìn giữ tất cả những căn nhà từng phục vụ cho lực lượng Biệt động Sài Gòn. Tới lui nhiều lần nên cháu gái của ông Đức cũng cảm mến anh Bình và cả hai nên duyên chồng vợ.
Căn nhà có 1 trệt, 1 lầu, đang trưng bày nhiều loại xe máy, xe đạp của lực lượng biệt động thành. Các máy móc cơ khí, bàn ghế ngày xưa cũng được trưng bày tại đây để khách có thể tham quan, hình dung được công việc của những người chiến sĩ thầm lặng, phục vụ cho cách mạng.
Hệ thống địa chỉ hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn còn có thể kể tới như: Bảo tàng tình báo Biệt động Sài Gòn tại đường Trần Quang Khải, Quận 1; Hiệu vàng lá Phú Xuân, Vĩnh Xuân tại đường Hai Bà Trưng, Quận 1; Gió Lộng Biệt động Sài Gòn tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ; Biệt thự thi công nội thất Dinh Độc Lập với hệ thống hầm ngầm bí mật dưới lòng biệt thự dùng để chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ Cách mạng trước năm 1975 tại quận Phú Nhuận; Hầm Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định của Thiếu tướng- Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Hải Phụng tại huyện Củ Chi. Tất cả các địa chỉ này đã thành di tích lịch sử, giúp thế hệ sau và du khách quốc tế hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.