6 giải pháp phát huy vai trò chức sắc Tin Lành trong vận động phụ nữ dân tộc thiểu số

PVH
02/08/2024 - 15:58
6 giải pháp phát huy vai trò chức sắc Tin Lành trong vận động phụ nữ dân tộc thiểu số

Bà Thiều Thị Hương, Trưởng phòng Tin lành - Ban Tôn giáo Chính phủ.

Đến cuối năm 2023, cả nước có gần 1,2 triệu người theo đạo Tin Lành (hơn 76% là đồng bào DTTS); trong đó đa số chức sắc là nam giới. Để phát huy vai trò chức sắc Tin Lành trong vận động phụ nữ DTTS, bà Thiều Thị Hương, Trưởng phòng Tin lành - Ban Tôn giáo Chính phủ, đề xuất 6 giải pháp cần tập trung thực hiện.

- PV: Hiện trạng đạo Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay ra sao, thưa bà?

- Bà Thiều Thị Hương: Trong tổng số 1,2 triệu tín đồ đạo Tin Lành ở Việt Nam vào cuối năm 2023, có trên 913.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 76,08%, phân bố chủ yếu ở 2 khu vực gồm Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, trong đó khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 250.000 người, hơn 90% là đồng bào Mông.

Khoảng 85% tổng số tín đồ người DTTS ở khu vực miền núi phía Bắc thuộc về các Hội thánh Tin Lành đã được Nhà nước công nhận như: Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam; Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam; Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam; Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam. Dưới 15% còn lại thuộc về các tổ chức chưa được công nhận tổ chức tôn giáo hoặc cấp đăng ký hoạt động tôn.

Đại đa số chức sắc Tin Lành ở khu vực miền núi phía Bắc là đồng bào DTTS (người Mông) với khoảng 517 người, nếu tính chung trưởng điểm nhóm thì toàn khu vực có trên 1.600 người với 100% là nam giới. 6 tỉnh, gồm: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang và Sơn La chiếm 89% tổng số tín đồ người DTTS theo đạo Tin Lành và chiếm 79,73% tổng số chức sắc, trưởng điểm nhóm của toàn khu vực miền núi phía Bắc.

6 giải pháp phát huy vai trò chức sắc Tin Lành trong vận động phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long (đứng giữa) cùng các đại biểu tại Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" tại tỉnh Hòa Bình ngày 16/7/2024

Chức sắc là người giữ quyền lãnh đạo Hội thánh thì vẫn có quyền lực khá nhiều đối với tín đồ. Đa số các tổ chức Tin Lành đều quy định chức sắc phải là nam giới, là nữ giới thì gần như phải độc thân hoặc chỉ được giữ phẩm thấp hơn nam giới. Xuất phát từ vai trò của chức sắc, mối quan hệ giữa người nam - người nữ theo Kinh thánh, nên chức sắc Tin Lành có nhiều thuận lợi trong việc vận động tín đồ nữ thực hiện các hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội nói chung và đặc biệt thuận lợi trong trường hợp chức sắc và tín đồ Tin Lành đều là người Mông (điển hình của chế độ phụ quyền).

- PV: Để phát huy vai trò của chức sắc Tin Lành trong vận động phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự xã hội và xây dựng nếp sống mới vùng đồng bào DTTS và miền núi, chúng ta cần có những giải pháp gì?

- Bà Thiều Thị Hương: Trên cơ sở nắm vững vai trò của chức sắc Tin Lành đối với tín đồ nữ, để phát huy vai trò của chức sắc Tin Lành trong vận động phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự xã hội và xây dựng nếp sống mới vùng đồng bào DTTS và miền núi, một số giải pháp cần tập trung:

Một là, tạo thuận lợi cho chức sắc có "mảnh đất tốt" để xây dựng, củng cố uy tín với tín đồ của họ. Tiếng nói của chức sắc Tin Lành có giá trị thuyết phục, dẫn dắt tín đồ chỉ khi họ được tín đồ kính trọng, tin tưởng. Muốn phát huy vai trò của chức sắc trong công tác vận động tín đồ nữ cần làm tốt công tác tranh thủ chức sắc trước hết. Trong đó, cần tiến hành thường xuyên và bắt đầu từ những việc đạo hàng ngày, cụ thể thông qua hướng dẫn, giúp đỡ chức sắc giải quyết kịp thời, đúng lúc tôn giáo cần, qua đó gây dựng niềm tin, tích luỹ mối quan hệ để dùng vào việc lớn khi cần mới thuận lợi.

Hai là, tăng cường gặp gỡ, trao đổi và làm tốt công tác thông tin để xây dựng mối quan hệ gần gũi chia sẻ. Đặc biệt khi vận động chức sắc ủng hộ một chủ trương, hoạt động cụ thể nào đó, cần nắm vững những giới hạn về đức tin và hành động mà người cơ đốc không thể vượt qua, cụ thể như việc vận động thực hiện các biện pháp phòng, trái thai.

Ba là, khi phát động thực hiện các phong trào xây dựng cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới chú ý đa dạng hoá các hình thức thực hiện để có hình thức phù hợp với đức tin, lễ nghi và thời gian sinh hoạt tôn giáo của người theo tôn giáo. Ví dụ: Ngày chủ nhật với đa số người theo đạo Tin Lành là ngày họ phải "kiêng việc xác", chỉ dành để thờ phượng, tôn vinh Chúa. Nhưng với người theo hệ phái Cơ đốc Phục lâm thì phải tránh ngày Thứ Bảy.

Bốn là, vận động chức sắc, trưởng điểm nhóm bố trí một phần thời gian trong chương trình thờ phượng Chúa để dành cho công tác nữ giới. Điều này hoàn toàn phù hợp với cơ cấu tổ chức của các Hội thánh, điểm nhóm Tin Lành. Hội phụ nữ đưa nội dung và cán bộ của Hội tới Hội thánh, điểm nhóm để tuyên truyền hoặc cung cấp nội dung, thông tin để chức sắc, trưởng điểm nhóm tuyên truyền, hướng dẫn tín đồ.

6 giải pháp phát huy vai trò chức sắc Tin Lành trong vận động phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" tại tỉnh Hòa Bình ngày 16/7/2024

Năm là, quan tâm tới vợ của chức sắc, trưởng điểm nhóm; phát hiện nhân tố có khả năng để bồi dưỡng, đào tạo, kết nạp làm thành viên Ban Chấp hành Hội phụ nữ các cấp ở địa phương, nhất là cấp cơ sở. Thông qua vai trò của người vợ để tác động đến người chồng đang giữ vai trò là chức sắc, trưởng điểm nhóm và tới tín đồ nữ trong Hội thánh, điểm nhóm.

Sáu là, công tác cán bộ và các điều kiện đảm bảo cho việc vận động chức sắc, tín đồ; tránh hành chính sơ cứng trong vận động thực hiện các phong trào; tránh tâm thế "bề trên" đồng thời tránh tâm thế "nhờ vả"; khen thưởng, chấn chỉnh thái độ, việc làm chưa đúng đều cần kịp thời, công tâm, khéo léo về phương pháp, thời điểm và địa điểm.

Đến cuối năm 2023, cả nước có gần 1,2 triệu người theo đạo Tin Lành (hơn 76% là đồng bào DTTS), khoảng 100 tổ chức, có ở 63/63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên (583.000 người), miền núi phía Bắc (235.000 người) trở thành tôn giáo có số lượng tín đồ lớn thứ 4 tại Việt Nam (sau Phật giáo, Công giáo và Phật giáo Hoà Hảo). Ngoài ra còn khoảng 8.500 người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam tin theo (85% là người Hàn Quốc)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm