pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng hóa, dịch vụ cho Tết Ất Tỵ 2025
Ảnh minh họa
Thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán thường là dịp nhu cầu mua sắm tăng cao, những mặt hàng thường có mức độ tiêu thụ lớn này là: Rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, sản phẩm thời trang; nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm...
Khuyến mại, ưu đãi nhiều
Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhận định: Khuyến mại cuối năm là giải pháp mang đến lợi ích cả cho người bán và người mua bằng cách tạo ra những chương trình, hình thức khuyến mại hấp dẫn, kích cầu mua sắm. Đây là thời điểm các doanh nghiệp, cửa hàng có thể dọn kho, thanh lý hàng tồn triệt để chỉ với mục tiêu đạt doanh thu bằng giá vốn, vừa tận thu, vừa xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, thân thiện với khách hàng.
Đối với người tiêu dùng, mua sắm thời điểm này có cơ hội sở hữu và trải nghiệm những món hàng chất lượng, vừa túi tiền. Do vậy, vào tháng cuối năm, cận Tết, trên các khu phố, các chợ có hoạt động kinh doanh buôn bán, cửa hiệu... đều bắt gặp băng rôn, áp phích quảng cáo giảm giá bắt mắt với các mức sale off từ 30% - 70%, "Mua một tặng một", "Mua hai tặng một", thanh lý cửa hàng giảm giá sốc, mua điện máy rinh ngay quà tặng...
Không chỉ các cửa hàng bán trực tiếp mà nhiều trang mạng xã hội tung ra các chiêu quảng cáo thu hút khách hàng, tạo sự hấp dẫn, mang đến nhiều quyền lợi cho khách hàng và doanh nghiệp nhằm thu hút người tiêu dùng. Hàng hóa khuyến mại cũng vô cùng đa dạng từ đồ điện tử, điện lạnh, đến hàng may mặc, giày dép... Trên các trang web mua bán hàng online, những chương trình giảm giá, tặng quà khi mua hàng cũng rất sôi động nhưng khi vào mua, đa số mặt hàng được khuyến mại đều có mẫu mã cũ, trái mùa, kích cỡ và màu sắc hạn chế; một số sản phẩm chỉ niêm yết giá khuyến mại mà không niêm yết giá gốc...
Cảnh báo từ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh: Cuối năm và dịp Tết Ất Tỵ là thời điểm dễ xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc các hành vi lừa đảo. Vì thế, người tiêu dùng cần trang bị cho mình kỹ năng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, sử dụng các công cụ truy xuất thông tin do doanh nghiệp cung cấp như mã QR hoặc ứng dụng xác thực sản phẩm chính hãng.
Đồng thời, cần thay đổi thói quen mua sắm, ưu tiên lựa chọn các kênh phân phối chính thức hoặc các sàn thương mại điện tử uy tín thay vì các nguồn không rõ ràng; đặc biệt là khi mua các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình.
Người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm sau:
(1) Cẩn trọng khi mua sắm trực tiếp và online: Chỉ mua hàng từ các cửa hàng, siêu thị và trang web, uy tín, có đánh giá tốt; kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm, nguồn gốc, chính sách đổi trả; không chuyển tiền trước mua hàng trực tuyến khi chưa xác minh được độ tin cậy của người bán.
(2) Kiểm tra chất lượng hàng hóa:
Đối với thực phẩm: Ưu tiên các sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện vận chuyển; chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với quần áo, đồ điện tử: Kiểm tra chất lượng, bảo hành và nguồn gốc sản phẩm. Tránh các sản phẩm trôi nổi, giá quá rẻ so với sản phẩm tương tự trên thị trường.
(3) Cảnh giác với khuyến mãi "quá hấp dẫn"
Nhiều chương trình khuyến mãi giả mạo được tung ra để lừa đảo hoặc bán hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng cần so sánh giá cả, xem xét kỹ điều kiện áp dụng trước khi mua.
Đặc biệt, trước các chương trình khuyến mại, khách hàng hãy cẩn trọng, tỉnh táo. Khi chọn mua hoặc được tặng bất kỳ sản phẩm khuyến mại nào, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu, hạn sử dụng, chú trọng yếu tố chất lượng. Nên mua hàng tại những cơ sở kinh doanh, trên trang thương mại điện tử uy tín, với chính sách nhận và đổi trả hàng, bảo hành minh bạch là một trong những cách giúp người dân hạn chế mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng những ngày cuối năm. Chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh/thành phố khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo trong hoạt động khuyến mại…
(4) Tránh các dịch vụ không rõ ràng:
Đối với dịch vụ du lịch, vận tải, đặt chỗ ăn uống cần nghiên cứu kỹ và đặt tại các cơ sở, đơn vị có uy tín, có giấy phép kinh doanh; kiểm tra kỹ hợp đồng và các điều kiện, đièu khoản trước khi thanh toán.
(5) Bảo vệ thông tin cá nhân:
Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai không rõ danh tính; cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi giả mạo ngân hàng, cơ quan chức năng.
(6) Phản ảnh và tố cáo với cơ quan quản lý Nhà nước; tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.
Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng 19002677 của Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (trên trang thông tin điện tử tổng hợp), trên (Website: nguoitieudung.org.vn; hotro@nguoitieudung.org.vn; tuvankhieunai@nguoitieudung.org.vn. Điện thoại: 02466885666, Ứng dụng người tiêu dùng) hoặc Cục Quản lý Thị trường các địa phương, khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc bị lừa đảo… để được hỗ trợ kịp thời.