pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 nhiệm vụ phát triển Công tác xã hội chuyên nghiệp, trợ giúp đối tượng yếu thế
Nhân viên công tác xã hội hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho trẻ em tại trường học. Ảnh minh họa
Khoảng 235 nghìn người làm nghề Công tác xã hội, trợ giúp đối tượng yếu thế
Tại hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ, hiện nay, Công tác xã hội đã dần trở thành một nghề chuyên nghiệp, có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, đang dần hoàn thiện về mặt pháp lý, được xã hội tôn trọng, trực tiếp giải quyết được những vấn đề xã hội; giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người, giảm bất bình đẳng và mâu thuẫn trong xã hội, mang lại niềm vui, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng và phát triển đất nước bền vững.
Trong thời gian qua và đặc biệt là sau hơn 10 năm triển khai chương trình phát triển Công tác xã hội, ngành đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, cụ thể như: Khung pháp lý phát triển nghề Công tác xã hội chuyên nghiệp đã được hình thành, hoàn thiện khá đầy đủ, toàn diện. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ Công tác xã hội đã hình thành, phát triển với hàng nghìn cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ Công tác xã hội công lập và ngoài công lập.
Đặc biệt, đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm Công tác xã hội chuyên nghiệp đã được hình thành với khoảng 235 nghìn người, tạo thành một mạng lưới trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Mặc dù Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về công tác xã hội, hàng triệu người đang gặp khó khăn cần được quan tâm chăm sóc, trong khi đó nguồn lực hoạt động trong lĩnh vực này còn đang hạn chế. Với riêng lĩnh vực Tư pháp, TS. Lê Thị Vân Anh, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, cho biết: Công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp là những hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị hại, người bị kết án, người trong quá trình chấp hành hình phạt và đã chấp hành xong hình phạt; người cần cấp dưỡng trong các vụ việc ly hôn; người đòi trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn trong các vụ việc về lao động, việc làm… có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế.
Theo TS. Lê Thị Vân, hệ thống luật pháp và chính sách của Việt Nam đã có những quy định trong trợ giúp đối tượng là người vi phạm pháp luật và người là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán tại các Luật, nghị định, đặc biệt đối tượng là người chưa thành niên. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về Công tác xã hội tham gia trong hệ thống tư pháp một cách có hệ thống như: Chưa có quy định về vị trí, vai trò, chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác xã hội dẫn đến những hạn chế trong phát triển dịch vụ chuyên nghiệp cũng như đảm bảo quá trình hỗ trợ đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh đó, các quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng trong hệ thống tư pháp còn rải rác, manh mún ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Hiện nay, đội ngũ người làm Công tác xã hội và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Có một số ít các hoạt động hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, nhân chứng được thực hiện dưới vai trò hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em hoặc kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, hiện chưa có chương trình đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn mang tính hệ thống và chuyên sâu về Công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp. Cán bộ làm việc trong lĩnh vực này được đào tạo chung về Công tác xã hội và rất ít qua các khóa tập huấn về quản lý trường hợp với trẻ em vi phạm pháp luật…
Về mô hình dịch vụ Công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp, Các dịch vụ Công tác xã hội trong hỗ trợ đối tượng là người vi phạm pháp luật và người là nạn nhân của các hành vi vi phạm, đặc biệt là người chưa thành niên mới chỉ dừng ở mức độ các dịch vụ hỗ trợ được cả đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo và không chuyên thực hiện, nên chưa thực sự đảm bảo tính chuyên nghiệp. Chính vì vậy, chất lượng và hiệu quả can thiệp của Công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp còn rất hạn chế.
6 nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển Công tác xã hội chuyên nghiệp
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho rằng, để đẩy mạnh phát triển Công tác xã hội chuyên nghiệp, cần tập trung các nhiệm vụ:
Thứ nhất, thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tăng cường Công tác xã hội; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về Công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ Công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả; tăng cường Công tác xã hội trong hệ thống tư pháp, phòng chống bạo lực bạo hành gia đình; tư pháp đối với người chưa thành niên.
Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển Công tác xã hội, tập trung: Trình Chính phủ ban hành Nghị định về Công tác xã hội; sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển Công tác xã hội theo hướng làm rõ vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên Công tác xã hội; đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát huy vai trò của các tổ chức ngoài công lập trong cung cấp dịch vụ Công tác xã hội; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Trợ giúp xã hội…
Thứ ba, phát triển mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên trong các trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp; trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ Công tác xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, giải quyết vấn đề nghèo đói và những vấn đề xã hội khác;
Thứ tư, hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế;
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển Công tác xã hội, định hướng người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ một cách hiệu quả và bền vững.
Thứ sáu, chú trọng, tăng cường hợp tác quốc tế phát triển nghề Công tác xã hội.
"Số lượng cơ sở có đào tạo chuyên ngành Công tác xã hội tăng nhanh (hiện nay, có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội, so với năm 2010 chỉ có 1-2 cơ sở);
Hiện nay, đã triển khai nhiều mô hình Công tác xã hội trong lĩnh vực giảm nghèo, chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ; giáo dục, y tế, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phụ nữ thanh niên....".
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi