pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 cách để thay đổi và tạo nên 1 thế giới bình đẳng
Ảnh minh họa
Kể từ năm 2020, đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng bình đẳng giới. Ngay cả trước Covid-19, đã có gần 1/3 phụ nữ trên thế giới bị lạm dụng; các cuộc gọi hỗ trợ tăng gấp 5 lần ở một số quốc gia trong đại dịch. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng với tốc độ hiện nay, phụ nữ sẽ không đạt được mức lương hoặc quyền lãnh đạo ngang nam giới trong ít nhất 135,6 năm nữa.
Theo UN Women, có 7 cách để thay đổi thế giới, góp phần tạo nên một thế giới bình đẳng, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ.
1. Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới
Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới là điều cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn về một thế giới bình đẳng. Ước tính có khoảng một phần ba phụ nữ bị bạo lực tình dục bởi bạn tình thân mật, bạo lực tình dục không do bạn tình hoặc cả hai ít nhất một lần trong đời. Và vì vậy, chính phủ cần phải phê chuẩn các công ước khu vực và quốc tế để cấm tất cả các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời củng cố, bổ sung và tài trợ cho các luật, chính sách và kế hoạch hành động.
2. Bảo đảm quyền lợi và công bằng kinh tế
Trong vòng 30 năm, khoảng cách giới trong lực lượng lao động vẫn không thay đổi, đứng ở mức 31%. Trong khi đó, phụ nữ trong độ tuổi 15-29 có nguy cơ nằm ngoài lực lượng lao động và thất học cao gấp 3 lần nam thanh niên. Chuyển đổi nền kinh tế là một trong những thành phần cốt yếu để đảm bảo công bằng kinh tế và quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi. Trung bình, một phụ nữ dành thời gian gấp 3 lần nam giới cho các công việc chăm sóc gia đình không được trả lương.
Vì vậy, quyền lao động cần có chỗ đứng cho những người làm công việc chăm sóc gia đình, đồng thời trả lương công bằng và việc làm bền vững cần phải trở thành tiêu chuẩn.
3. Đảm bảo quyền tự chủ về cơ thể, quyền và sức khỏe tình dục sinh sản
Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái làm chủ quyền và sức khỏe tình dục sinh sản của mình, quyền tự quyết khỏi các ép buộc, bạo lực và phân biệt đối xử là nhu cầu cấp thiết và quan trọng để đạt được một thế giới bình đẳng. Trên toàn thế giới, 45% trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi 15-49 đã kết hôn không thể đưa ra quyết định liên quan đến cơ thể như tránh thai hoặc tình dục. Chưa kể, có đến 60% trường hợp tử vong mẹ ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhân đạo hoặc điều kiện còn hạn chế.
4. Hành động nữ quyền vì công bằng khí hậu
Khí hậu thay đổi ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đặc biệt là người dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái - những người phải chịu gánh nặng của các cú sốc về môi trường, kinh tế và xã hội cũng như đối mặt với những rủi ro lớn hơn về sức khỏe và an toàn. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái không được hiện diện trong vấn đề công bằng khí hậu ở tất cả các cấp và các ngành.
Phụ nữ và trẻ em gái chỉ có thể đòi hỏi công bằng khí hậu khi được trang bị các công cụ và kiến thức để nhận thấy mọi người đều có trách nhiệm trong vấn đề này. Cần có sự chuyển đổi để giúp phụ nữ và trẻ em gái nhận thức đầy đủ về vấn đề và là người đi đầu trong các giải pháp.
5. Thúc đẩy công nghệ và đổi mới vì bình đẳng giới
Liên minh Hành động Bình đẳng Thế hệ về Công nghệ và Đổi mới vì Bình đẳng Giới đang hướng đến việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số về giới giữa các thế hệ, tăng gấp đôi tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo, đồng thời xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến. Song song đó, nhiều đối tác đang phối hợp với Liên minh đề xuất các bước cụ thể để mở rộng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa tính minh bạch và trách nhiệm vào công nghệ kỹ thuật số, mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện.
6. Đầu tư cho các phong trào và lãnh đạo nữ quyền
Với tốc độ tiến bộ hiện nay, bình đẳng về giới sẽ không thể đạt được trong các cơ quan lập pháp quốc gia cho đến năm 2063. Vì vậy, cần có thêm hành động để thúc đẩy phong trào và lãnh đạo nữ quyền, tạo nên bình đẳng giới trong cộng đồng. Hiện tại, Liên minh Hành động về Thúc đẩy các Phong trào và Lãnh đạo Nữ quyền cũng đang nỗ lực để thay đổi điều này với mục tiêu nâng cao vai trò lãnh đạo và quyền ra quyết định của phụ nữ, trẻ em gái và người phi nhị giới trên toàn thế giới trước năm 2026.
7. Lấy phụ nữ làm trung tâm và giữ vai trò lãnh đạo trong các hành động vì hòa bình, an ninh và nhân đạo
Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi nghị quyết 1325 mang tính bước ngoặt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua, đề cao vai trò của phụ nữ trong việc đảm bảo và duy trì hòa bình. Ứng phó với khủng hoảng, ngăn ngừa thiên tai một cách hòa bình và bình đẳng là những điều kiện tiên quyết đối với sức khỏe, an ninh con người và phát triển bền vững.
Ngay cả giữa Covid-19, tiếng súng vẫn nổ, phụ nữ vẫn nỗ lực giữ gìn hòa bình hoặc luôn là người phản ứng đầu tiên, nhưng thường thiếu nguồn lực và công nhận. Ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, tỷ lệ phụ nữ trong các lực lượng đặc nhiệm Covid-19 chỉ ở mức 18%. Trung bình, phụ nữ chỉ chiếm 13% các nhà đàm phán, 6% nhà hòa giải và 6% các bên ký kết trong các tiến trình hòa bình chính từ năm 1992 đến 2019.