7 giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

PV
01/12/2024 - 10:30
7 giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm đặc sản vùng miền cũng như các đặc sản miền núi phía Bắc và hải đảo của người tiêu dùng rất cao. Ảnh: PVH

“Thực tế, tỷ lệ các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn rất thấp ở các kệ hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, sự liên kết từ các chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản phẩm của bà con khu vực này tham gia sâu hơn vào các hệ thống phân phối”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết.

Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển các khu vực này, đặc biệt là phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại khu vực này, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, trong đó Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Chương trình.

Trong quá trình triển khai thực hiện, thời gian qua đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo, đưa các sản phẩm của khu vực này tiêu thụ trên thị trường.

Còn nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tiếp cận với khách hàng

"Là một chuỗi thực phẩm sạch được hình thành đầu tiên ở Hà Nội từ năm 2009, chúng tôi đánh giá nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm đặc sản vùng miền cũng như các đặc sản miền núi phía Bắc và hải đảo của người tiêu dùng rất cao. Điểm hấp dẫn nhất mà khách hàng hướng tới khi lựa chọn sản phẩm của khu vực này là chất lượng, hương vị đặc trưng, gắn liền với bản sắc văn hóa của vùng miền chứ không phải là mẫu mã", bà Nguyễn Thị Dân (đại diện Chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Bác Tôm) cho biết.

Bà Nguyễn Thị Dân chia sẻ thêm: Tuy nhiên, khi khai thác, phân phối những sản phẩm của khu vực này còn gặp không ít khó khăn. Sản phẩm được canh tác thuận tự nhiên và vùng miền, do vậy chưa ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng khá thấp. Trong quá trình kinh doanh, chúng tôi đã gặp rất nhiều những trường hợp. Ví dụ như sản phẩm măng le của bà con Gia Lai, Tây Nguyên, chủ yếu các hộ gia đình là phụ nữ cầm quyền nhưng phụ nữ lại không biết chữ. Do vậy, khi giao tiếp và ký hợp đồng thì họ lại không thể ký được hợp đồng. Còn những sản phẩm ở đảo Phú Quốc hay Lý Sơn thì do mỗi lần đánh bắt tự nhiên, sản lượng khá ít, cước vận chuyển khá cao, nên chi phí giá thành lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức mua của người tiêu dùng.

Đối với nền tảng thương mại điện tử, ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sàn thương mại điện tử Nông sản Bưu điện (nongsan.buudien.vn), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) chia sẻ, đối với các sản phẩm tươi thì lộ trình vận chuyển là quan trọng nhất. Hiện tại Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang có khoảng hơn 13.000 bưu cục trên toàn quốc và trải dài từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở vùng sâu, vùng xa hay hải đảo là một lợi thế rất lớn để có thể hỗ trợ cho những sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm nông sản, thủy sản tươi.

Nhìn nhận những khó khăn trên, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: Thời gian qua, chúng ta có thể thấy những kết quả tích cực trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế, tỷ lệ các sản phẩm này còn rất thấp ở các kệ hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, rất cần có những giải pháp đồng bộ, sự liên kết từ các chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản phẩm của bà con khu vực này tham gia sâu hơn vào các hệ thống phân phối.

7 giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo- Ảnh 1.

Cac cấp Hội phụ nữ là cầu nối đưa sản phẩm tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: PVH

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đề xuất 7 giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước; trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm của vùng đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo và tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ các sản phẩm này tại thị trường trong nước.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng khung luật pháp, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư, kinh doanh trên thị trường trong nước, thiết lập trật tự thị trường để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mở rộng thị trường cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo, cần áp dụng các mô hình kinh doanh mới phù hợp với đặc thù địa phương, chẳng hạn như phát triển hệ thống bán lẻ đa kênh kết hợp giữa bán hàng trực tiếp và thương mại điện tử. Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho việc mua bán hàng hóa mà còn mở rộng thị trường cho các sản phẩm đặc sản khu vực đặc thù này.

Thứ tư, đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển mạnh thương mại điện tử.

Thứ năm, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước và hỗ trợ xuất khẩu. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn, miền núi và hải đảo.

Thứ sáu, chú trọng phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước; Khuyến khích và hỗ trợ cho sự tham gia của không chỉ những doanh nghiệp lớn mà còn là những doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã thu mua các sản phẩm thế mạnh của bà con nông dân, liên kết với nhau trong chuỗi cung ứng, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.

Thứ bảy, Nhà nước tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối. Tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng đặc sản đặc trưng, có thế mạnh của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm