7 mẹo làm giảm cơn đau răng tại nhà trước khi tìm đến nha sĩ

Phương Thanh (dịch)
17/07/2020 - 14:19
7 mẹo làm giảm cơn đau răng tại nhà trước khi tìm đến nha sĩ
Những cơn đau răng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày và cần thăm khám nha sĩ để điều trị. Tuy nhiên, có nhiều giải pháp dễ dàng thực hiện tại nhà để làm dịu cơn đau trước khi đến nha khoa.

Nguyên nhân dẫn đến đau răng

Đau răng thường xảy ra do rất nhiều nguyên nhân bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Có thể kể đến một số tác nhân gây đau răng như sau:

- Sâu răng do vệ sinh răng miệng kém; ăn nhiều thực phẩm chứa axit hoặc đường, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển; ăn đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng, làm yếu men răng hoặc đồ quá cứng.

- Các bệnh về nứu như nhiễm trùng nứu, viêm nứu hoặc viêm nha chu. Các bệnh này hình thành do kích ứng độc tố tiết ra từ vi khuẩn có hại trong các mảng bám của men răng. Ngoài ra, sự thay đổi hormone ở tuổi dậy thì hoặc phụ nữ mang thai và tác dụng phụ của thuốc cũng gây ra những bệnh về nứu.

- Đau khớp thái dương hàm (là khớp động duy nhất của phần sọ mặt, hỗ trợ các hoạt động như nhai, nói hoặc nuốt) do thói quen nhai một bên hàm trong thời gian dài, thoái hóa sụn khớp thái dương hoặc mòn đĩa đệm.

7 mẹo làm giảm cơn đau răng tại nhà trước khi tìm đến nha sĩ - Ảnh 2.

Những mẹo giúp giảm đau răng tại nhà

Theo bác sĩ Richard Marques, chuyên gia về nha khoa hàng đầu của Anh, có nhiều biện pháp dễ dàng thực hiện tại nhà để giảm cơn đau răng. Tuy nhiên, đó chỉ là những mẹo giảm đau tạm thời, nếu cơn đau kéo dài, cần đến nha sĩ để được điều trị kịp thời.

- Súc miệng nhiều lần với nước muối ấm

Theo bác sĩ Marques, một trong những điều cần thực hiện đầu tiên sau khi cơn đau răng xuất hiện là súc miệng với nước muối ấm. Nước muối giúp cân bằng pH của khoang miệng, tạo ra môi trường kiềm làm giảm điều kiện sinh sôi của vi khuẩn vì chúng thường ưa môi trường axit.

Bác sĩ Marques cho biết thêm, nước muối có nhiều công dụng khác trong chữa trị đau họng, tổn thương nứu, viêm amidam hoặc vệ sinh khoang miệng cho những bệnh nhân vừa thực hiện phẫu thuật nha khoa.

- Chườm đá

Túi chườm đá có công dụng tốt trong giảm đau ở vùng mặt bị sưng vì giúp giảm viêm và giảm đau. Tuy nhiên, không nên chườm đá trực tiếp vào vùng răng bị đau mà nên cho đá vào một túi chườm, sau đó nhẹ nhàng để vào vùng răng bị đau hoặc vùng da bên ngoài vùng đau.

- Sử dụng tỏi

Bác sĩ Marques chia sẻ, tỏi cũng có tác dụng tốt trong làm giảm những cơn đau, kể cả đau răng. Chỉ cần nghiền nát một tép tỏi, sau đó trộn đều với một ít muối và bôi lên vùng răng bị đau trong khoảng từ 2 đến 3 phút, cơn đau răng có thể giảm đi đáng kể.

- Sử dụng tinh dầu đinh hương

Thành phần eugenol chứa trong tinh dầu đinh hương mang lại cảm giác dịu nhẹ đối với những cơn đau răng và đóng vai trò như một chất kháng khuẩn tự nhiên. Nghiên cứu từ Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật nha khoa (Anh) cho thấy, eugenol có hiệu quả giảm đau cao hơn nhiều so với các loại thuốc giảm đau khác.

- Tập thể dục

Bác sĩ Marques chia sẻ, tập thể dục giúp giải phóng hormone endorphin – một loại "thuốc" giảm đau tự nhiên của cơ thể. Những vận động thông qua các bài tập thể dục giúp tăng lưu lượng máu và bạch cầu lưu thông qua vùng răng hoặc nứu bị thương tổn, từ đó tăng lượng oxy và giải phóng độc ở những vùng răng, miệng bị đau. Tuy nhiên, đây có thể không phải là một phương pháp giảm đau nhanh chóng và hiệu quả.

- Thiền

Nhiều cơn đau, nhức bắt nguồn từ nguyên nhân não bị ảnh hưởng xấu bởi cảm xúc tiêu cực và suy giảm tinh thần và trong đó có đau răng. Các bài tập thiền và thư gian giúp làm dịu tâm trí và giảm lượng hormone gây căng thẳng. Theo bác sĩ Marques, mặc dù mối tương quan giữa thiền và những cơn đau chưa được nghiên cứu sâu, tuy nhiên bộ não và những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực có ảnh hưởng đến tình trạng đau của mỗi người. Ngoài ra, cười cũng giúp giảm đau vì kích thích sản xuất endorphin, tham gia vào quá trình kích hoạt các thụ thể não tạo ra hiệu ứng giảm đau và hưng phấn.

- Sử dụng thuốc giảm đau

Theo bác sĩ Marques, hai loại thuốc giảm đau được khuyên dùng cho các triệu chứng đau răng là ibuprofen và paracetamol. Trước khi sử dụng, cần kiểm tra thành phần, tác dụng phụ và chống chỉ định để có hiệu quả tốt nhất.

Những phương pháp kể trên chỉ có tác dụng làm dịu và giảm cơn đau răng tạm thời. Nếu tình trạng đau vẫn tiếp tục và kéo dài, cần đến gặp nha sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những thương tổn không mong muốn sau này.

Nguồn: NetDoctor
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm