7 nhóm giải pháp căn cơ phục hồi lao động trong lĩnh vực du lịch

PV
10/08/2022 - 17:04
7 nhóm giải pháp căn cơ phục hồi lao động trong lĩnh vực du lịch

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tham gia trả lời chất vấn chiều 10/8. Ảnh quochoi.vn

Sau những năm bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, để vực dậy ngành du lịch, yếu tố hàng đầu là việc thu hút nguồn lực lao động. Nhiều đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn về đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động trong ngành du lịch hiện nay.

Nêu câu hỏi chất vấn với trưởng ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch chiều 10/8, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cho biết, trong đại dịch COVID-19 tình hình dịch chuyển lao động từ thành thị về nông thôn và giữa các ngành với nhau, trong đó có ngành du lịch rất lớn. Để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và là ngành kinh tế mũi nhọn, yếu tố nguồn lực là yếu tố hàng đầu. Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có giải pháp đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động trong ngành du lịch hiện nay?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng: cần tập trung đánh giá tổng thể lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch để có giải pháp căn cơ, còn trước mắt phải có giải pháp đào tạo nghề.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch. Đồng thời phối hợp triển khai với các Bộ, ngành thẩm định và ban hành một số Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn nghề ASEAN, danh mục các ngành đào tạo cấp IV lĩnh vực du lịch từ trình độ trung cấp đến sau đại học đã được bổ sung và cơ bản hoàn thiện.

Tham gia trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian vừa qua, ngành lao động đã tập trung cùng ngành văn hóa để tạo chuyển biến về vấn đề lao động, việc làm trong ngành du lịch. Theo kết quả thống kê, đến nay có 19,8 triệu người làm trong lĩnh vực du lịch, tăng cao so với quý trước. 

Gần đây, thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Các chính sách mở cửa, hỗ trợ theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, nhất là từ tháng 3/2022 đã tạo cú hích quan trọng để tạo khu vực du lịch, dịch vụ, tạo đà tăng trưởng, phát triển cao.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm phục hồi lao động lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các chính sách giữ chân, thu hút người lao động quay trở lại, hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động tại chỗ. 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành danh mục đào tạo cấp độ 4, trình độ cao đẳng và trung cấp. Thực tiễn, trong thời gian qua, các học viên tham gia Hội thi tay nghề quốc tế của ASEAN đều đạt kết quả cao. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng mô hình vừa học vừa làm, học văn hóa trong các cơ sở nghề, học nghề trong các cơ sở văn hóa.

7 nhóm giải pháp căn cơ phục hồi lao động trong lĩnh vực du lịch - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn từ điểm cầu địa phương. Ảnh quochoi.vn

Về giải pháp căn cơ trong vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra 07 nhóm giải pháp, cụ thể như:

Đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng dần kỹ năng mới; triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận Bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN được Tổ chức thi cấp Chứng chỉ nghề quốc gia ASEAN hướng tới các hoạt động du lịch hướng dẫn bài bản, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh;

Đồng thời có chính sách thu hút nhân lực và học, làm việc đi đôi với nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng; quy hoạch liên kết đồng bộ giữa Trung ương, địa phương, các ngành gắn kết doanh nghiệp lữ hành với nhà trường; phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thức học tập, đào tạo, mở rộng địa bàn đào tạo; tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên…

Bên cạnh đó, theo ông Đào Ngọc Dung, cần áp dụng một số chính sách ngắn hạn tập trung đào tạo nghề cho người lao động. Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để xây dựng đề án phát triển lao động ngành du lịch vừa đào tạo dài hạn vừa trước mắt; vừa học văn hóa, vừa học nghề.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm