pnvnonline@phunuvietnam.vn
8x kết nối người trẻ về quê khởi nghiệp
Trịnh Thị Thu Hà có gần 10 năm gắn bó với công việc kế toán tại công ty Viễn thông Quân đội Viettel. Tháng 7/2017, sau bao ngày nung nấu và quyết tâm, Hà xin nghỉ việc, tìm hiểu và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thời điểm đó, thực phẩm sạch đang là trào lưu kinh doanh, với rất nhiều tiềm năng và không ít thử thách, để cô gái 8x có thể thử sức mình.
"Tôi dành gần như 100% số tiền tích góp được để đi đến các vùng miền và tìm hiểu về nông sản. Hiện nay, tôi đã gây dựng được một cửa hàng 3.36m tại chợ đêm Phú Quốc giới thiệu và bán Nông sản Việt. Tôi cũng đầu tư vào một mảnh đất rộng 18.000m tại đây. Tôi trồng khảo nghiệm một số loại rau, củ theo phương pháp truyền thống, tận dụng tối đa những gì có sẵn tại địa phương. Trong đó, sử dụng nguồn sơ dừa, mùn cưa, vỏ rau, củ, quả, vỏ trứng để cải tạo đất. Trong tương lai, tôi sẽ triển khai mô hình du lịch Nông Nghiệp dành cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm khi đến Phú Quốc". Trịnh Hà chia sẻ.
"Làm nông nghiệp đau đầu lắm"
Trịnh Hà đã không ít lần chia sẻ suy nghĩ đó của mình. "Có nhiều thời gian đi, gặp gỡ, trò chuyện, làm việc cùng những người làm nông nghiệp và kinh doanh thực phẩm sạch, tôi nhân thấy, có quá nhiều vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực này".
Trong nông nghiệp, không chỉ có bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa. Mà hơn hết, là những hoài nghi của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, sạch bẩn… Nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường lớn, nhiều bạn trẻ lao vào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm sạch như con thiêu thân.
Thực tế, Về quê khởi nghiệp đang là trào lưu, trào lưu của những người chán công việc đang làm, mơ ước một cuộc sống yên bình... Nhưng muốn thành công, cần phải có sự đam mê và chuẩn bị hành trang một cách kỹ lưỡng.
Đầu tiên, cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ, nếu bạn định nuôi gà thì nguồn thức ăn như thế nào, nuôi gà gì để tìm được thị trường ổn định, cách kiểm soát dịch bệnh ra sao, đầu ra cho sản phẩm ở đâu... Bạn cũng cần tính toán được ngân sách đầu tư, chủ động trong mọi tình huống và lên kế hoạch trong trường hợp xấu nhất thì xử lý ra sao…
Rồi còn nhiều tình huống rủi ra các bạn trẻ Về quê khởi nghiệp hay gặp phải như chất lượng sản phẩm không được như mong muốn, sản phẩm làm ra rồi không có đầu ra, bị cạnh tranh, ép giá… Phá sản, mất tiền, mất uy tín, mất danh dự… chuyện đó không hiếm.
Xây "cây cầu" kết nối những bạn trẻ về quê khởi nghiệp
Dành trọn niềm đam mê cho nông nghiệp, Hà quyết tâm làm "cây cầu" nối giữa người bán với người mua, kết nối nông dân với cửa hàng thực phẩm sạch tại các thành phố lớn, các bạn bán online với chi phí gần như bằng 0 đồng, để người bán được tiếp cận với người mua bằng những sản phẩm sạch, chất lượng thực sự.
Song song đó, Trịnh Hà cũng tổ chức những buổi gặp gỡ, giao lưu dành cho các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ cùng tham khảo kinh nghiệm, bài học của những người đi trước thành công; chia sẻ những khó khăn, thất bại gặp phải và cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ.
Về quê khởi nghiệp với tôi, với nhiều bạn, không còn là ước mơ xa vời, nếu chúng tôi chuẩn bị cho mình một hành trang thật đầy đủ và có một sân chơi thực sự lành mạnh, minh bạch.
Start up Trịnh Hà
Theo Trịnh Thị Thu Hà, điểm yếu của các bạn khởi nghiệp:
- Mơ lớn quá khả năng
- Chỉ nhìn vào những việc lớn mà bỏ qua việc nhỏ
- Nhanh nản và hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, thiếu kỹ năng.
* Những khó khăn các bạn Về quê khởi nghiệp phải đối diện:
- Thiếu, chưa tìm được đầu ra phù hợp, ổn định
- Thiếu vốn
- Mất quá nhiều chi phí trung gian