9 bài học rút ra sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Linh Trần
15/08/2021 - 17:17
9 bài học rút ra sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

BV Đa khoa Đức Giang cấp cứu thành công cho bệnh nhân Covid-19

Qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch thời gian vừa qua, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành Bộ Y tế đã rút ra 9 bài học kinh nghiệm.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh đợt này vẫn lây lan rộng và kéo dài là do biến thể virus Delta.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, biến thể này lây lan rất nhanh và mạnh do virus phát tán trong không khí. Chu kỳ lây nhiễm của chủng virus Delta ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, trong các khu vực không gian kín, ít lưu thông như phòng họp, nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người. Trong khi đó, đợt dịch này xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, nhiều khu công nghiệp trọng điểm; dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế.

Mặc dù đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên số mắc vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Điều đó cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài.

9 bài học rút ra sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Qua 26 ngày thực triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số nơi khác, dù dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát tại một số địa phương,nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TPHCM và Long An, Bình Dương, Đồng Nai,...

Bên cạnh đó, việc triển khai giãn cách xã hội chưa dứt khoát, triệt để, chưa đáp ứng được các yêu cầu; một số nơi, một số thời điểm chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch do đó khó khăn trong công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để.

Qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch thời gian vừa qua, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành Bộ Y tế rút ra 9 bài học kinh nghiệm. Cụ thể:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.

Thứ hai, huy động sức dân, xác định đúng vai trò "mỗi người dân là một chiến sĩ" trong cuộc chiến phòng, chống dịch; kêu gọi, khuyến khích người dân tích cực ủng hộ, trực tiếp tham gia và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa bàn cơ sở, thiết lập và bảo vệ "vùng xanh" tại địa bàn dân cư sinh sống; phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng.

Thứ ba, cần thực hiện sớm, kịp thời nhưng phải nghiêm, chặt chẽ ngay từ đầu khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; phải dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh.

9 bài học rút ra sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân

Thứ tư, cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Thứ năm, công tác điều trị phải chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao; thực hiện phân tầng điều trị, khẩn trương thiết lập và đưa vào vận hành các trung tâm hồi sức tích cực để điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Thứ sáu, phải đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để người dân đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch.

Thứ bảy, công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch; Kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Thứ tám, nâng cao nguồn nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn về điều trị, hồi sức tích cực, lấy mẫu xét nghiệm.

Thứ chín, huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội; sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đối với công tác phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là trong chiến lược "ngoại giao vaccine".

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm