9 nội dung về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị trong công tác quản lý cán bộ

QT
06/09/2022 - 18:20
9 nội dung về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị trong công tác quản lý cán bộ

Theo Quy định 80-QĐ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhiều chức danh quan trọng khác do Bộ chính trị trình.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ chính trị vừa ký ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Quy định 80-QĐ/TW ban hành ngày 18/8/2022 áp dụng đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Quy định gồm 6 chương, 34 điều đề cập toàn diện về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử với những nội dung cụ thể: quy định mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm, thẩm quyền trong quản lý cán bộ và nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử; tái cử, chỉ định, điều động và biệt phái cán bộ.

Quy định 80-QĐ/TW quy định 9 nội dung về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị trong công tác quản lý cán bộ:

1. Quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

2. Trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để:

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

- Xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ.

- Kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

9 nội dung về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị trong công tác quản lý cán bộ - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

3. Quyết định phân công công tác đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

4. Chỉ định Bí thư, Phó Bí thư và Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương. Khi cần thiết chỉ định bí thư, giao quyền bí thư hoặc giao phụ trách đảng bộ trực thuộc Trung ương.

5. Quyết định đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ nêu tại Mục I, Phụ lục 1 của Quy định này. Lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

6. Quyết định phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

7. Quyết định kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ở các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị.

8. Uỷ quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét:

- Quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định.

- Bổ nhiệm lại và thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý theo quy định (trừ các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng).

9. Uỷ quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, gồm cả dự khuyết).

Ngoài ra, Quy định 80-QĐ/TW cũng quy định trách nhiệm và quyền hạn trong công tác quản lý cán bộ của: Ban Bí thư; các cấp uỷ trực thuộc Trung ương; Ban cán sự đảng Chính phủ; Đảng đoàn Quốc hội; ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các hội ở Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.

Quy định 80-QĐ/TW cũng quy định về bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm lại và giới thiệu tái cử; điều động và biệt phái cán bộ...

Quy định 80-QĐ/TW có hiệu lực thi hành từ ngày 18/8/2022 và thay thế Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.

Xem toàn văn Quy định 80-QĐ/TW.




Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm