pnvnonline@phunuvietnam.vn
9 tháng đầu 2020, giảm 75,5% số lượt hộ thiếu đói
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP
Hôm nay (2/10), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2020. Chính phủ sẽ dành thời lượng để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02, tình hình phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tăng tốc, về đích trong những tháng cuối năm.
Chủ trì và phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch COVID-19 và lần này, đã thay đổi cách thức, cách làm trong việc ngăn chặn chứ không như lần 1. Đến nay, đã 30 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan.
Đến thời điểm này qua 3/4 chặng đường của năm 2020, theo Thủ tướng, tình hình kinh tế-xã hội ngày càng tốt hơn. Quý III có sự tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng, các lĩnh vực xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý IV và cả năm 2020. Trong đó, xuất siêu 17 tỷ USD là con số kỷ lục. Thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD. Các chỉ tiêu vĩ mô ổn định.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào. Năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha. Người nông dân "được mùa, được giá", sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh. Đặc biệt, lao động việc làm quý 3 phục hồi, tăng 1,5 triệu người so với quý II.
Đáng chú ý, tính chung 9 tháng năm 2020, cả nước có 16.500 lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66.500 lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,5% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thủ tướng, trong tháng 9, mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn như dịch vụ, hàng không, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là vấn đề cần quan tâm.
Dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19. S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng mức tăng trưởng còn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng mà chúng ta đặt ra đầu năm.
Tại phiên họp hôm nay, bên cạnh những vấn đề cấp bách cần làm ngay trong 3 tháng cuối năm, các thành viên Chính phủ cũng sẽ tập trung thảo luận các định hướng cho năm tới trong bối cảnh tình hình mới.