Những lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo lan tỏa tinh thần vượt khó

Đình Nguyên
22/12/2019 - 15:39
Những lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo lan tỏa tinh thần vượt khó
“Việc làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo của bà con nhân dân cho thấy, người dân không còn trông chờ, ỷ lại mà có ý thức vươn lên thoát nghèo”, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông (Nghệ An), chia sẻ.

Không "cố thủ" mãi trong cái nghèo

Là một trong những địa phương khó khăn của tỉnh Nghệ An, huyện Con Cuông vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng gần 5 năm qua, tại huyện nghèo này liên tiếp có nhiều hộ dân viết đơn xin được thoát nghèo. Nếu như những năm trước, để vào danh sách "biên chế" hộ nghèo, nhiều xóm, gia đình, dòng họ phải "đấu" với nhau rất căng thẳng, thì nay, cuộc sống mới, tư tưởng mới nên việc "cố thủ" ở lại hộ nghèo là đồng nghĩa coi thường lòng tự trọng và sự không đồng tình của cộng đồng. Bởi vậy, nhiều người dân nơi đây đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Tính đến nay, số hộ xin thoát nghèo đã vượt hơn 400 hộ. 

Những đơn thoát nghèo lan tỏa tinh thần vượt khó - Ảnh 1.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã có hơn 400 hộ dân làm đơn xin thoát nghèo.

Trong cơn mưa rả rích, chúng tôi về Con Cuông. Sau những trận mưa bão vừa qua, nhiều khu vực vẫn còn "dư âm" của thiên tai. Nhưng không phải thế mà người dân ở đây thiếu sự vươn lên, trồng chờ, ỷ lại. Điều đó được thể hiện rõ bằng những lá đơn thoát nghèo còn thơm mùi mực mà họ trình lên cơ quan chuyên môn với một ý nghĩ "mình còn lành lặn, có cặp có đôi, nhường suất đó cho gia đình khó khăn hơn". 

Mới đây, ngày 20/10/2019, gia đình chị Lộc Thị Bảo (SN 1985) trú ở bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, đã có đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Chị Bảo cho hay, thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016-2020, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của thôn bản. "Hiện tại, gia đình tôi đã có được cuộc sống ổn định, đỡ vất vả hơn. Nay bản thân tôi cũng nhận thức được và nhận thấy rằng còn nhiều hộ gia đình vất vả, khó khăn hơn gia đình tôi. Vậy tôi viết đơn này gửi lên ban rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như UBND xã Lục Dạ cho gia đình tôi xin ra khỏi hộ nghèo trong năm 2020", đơn chị Bảo nêu rõ. Những câu chữ bình dị ấy đã nói lên được ý chí thoát nghèo của bà con. Họ không "cố thủ" mãi trong cái nghèo ấy, không vì những ưu ái của chế độ hộ nghèo mà đánh mất đi lòng tự trọng.

Tương tự như gia đình chị Lộc, lá đơn viết tay bình dị xin rút ra khỏi hộ nghèo của gia đình anh Kha Văn Tuất (SN 1984) và vợ là chị Mạc Thị Đông (trú tại bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông) đề ngày 16/10/2019 gửi UBND xã Thạch Ngàn cho biết, năm 2018, qua báo cáo kết quả cuộc kiểm tra rà soát, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Trong đợt rà soát để bình xét hộ nghèo năm 2019, vợ chồng anh Tuất - chị Đông đã làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo.

Anh Tuất tâm sự, thời điểm mới lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng anh còn gặp nhiều khó khăn khi đất đai ít, nguồn vốn chưa có. Sau khi tham gia phong trào thi đua, sản xuất, gia đình đã làm được nhà cửa khang trang, cuộc sống cũng khấm khá hơn nên đã quyết định viết đơn rút khỏi hộ nghèo. "Tôi còn trẻ, còn đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo. Là Đảng viên, tôi xin tiên phong ra khỏi hộ nghèo để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng là để gia đình tự nỗ lực phấn đấu", nội dung đơn xin rút khỏi hộ nghèo của anh Tuất nêu.

Những đơn thoát nghèo lan tỏa tinh thần vượt khó - Ảnh 2.

Những lá đơn xin thoát nghèo của người dân miền núi Con Cuông (Nghệ An).

Ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư huyện ủy Con Cuông (Nghệ An), cho biết: "Muốn thoát nghèo, ý thức, động lực của người dân là rất quan trọng nhưng cần có cơ chế, mô hình hiệu quả để bà con triển khai, phát huy tiềm năng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng".

Nhiều lần trò chuyện với các gia đình có đơn xin thoát nghèo, trong mắt họ ánh lên niềm vui, niềm tự hào vì được người đời tôn trọng vì không phải hộ nghèo, cũng từ đó, dường như họ lại càng có ý chí hơn trong lao động sản xuất. Người dân ở đây cho rằng, việc họ xin thoát nghèo chính là trả quyền lợi, nhận tấm lòng, nhận sự tôn trọng của cộng đồng với nghĩa cử cao đẹp đó.

Ông Vi Trung Định, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An), chia sẻ: Trên địa bàn xã Thạch Ngàn hiện còn 398 hộ nghèo, chiếm khoảng 28%; hơn 700 hộ cận nghèo. Địa bàn xã là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái.

Không trông chờ chính sách hỗ trợ

Câu chữ bình dị trong mỗi lá đơn cũng là mỗi hoàn cảnh riêng, song tựu chung là ý thức tự vươn lên thoát nghèo mà họ tự ý thức được, đồng nghĩa họ chia sẻ "thẻ xanh" ấy cho những hoàn cảnh éo le hơn.

Từ nhiều năm trước, tại Thạch Ngàn đã có các hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trong khi đó, Con Cuông là địa bàn miền núi, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Năm 2018, địa phương còn 20,24% hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người năm 2018 đạt 22,16 triệu đồng/người. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, ý thức, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân đóng vai trò quyết định.

Những đơn thoát nghèo lan tỏa tinh thần vượt khó - Ảnh 3.

Người dân địa phương chăm lo sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo. (Ảnh: Công Kiên)

Theo số liệu từ Phòng LĐTB&XH huyện Con Cuông, tính đến tháng 8/2019, toàn huyện có 433 gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo (giai đoạn từ 2012-2019). Riêng năm 2019, đã có 50 hộ xin rút khỏi hộ nghèo, nhiều nhất vẫn là năm 2016 có 267 hộ, xã Yên Khê vào năm 2016 có 217 hộ xin rút khỏi hộ nghèo.

Nói về việc này, ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê - cho biết, trước hết phải khẳng định, việc người dân viết đơn xin thoát nghèo đã thể hiện ý chí vươn lên của mỗi gia đình, họ tự nhận thức được sau nhiều lần thực tế ở các địa phương khác như vùng miền Tây xứ Nghệ, đồng bào trên đó thực sự nghèo, nên khi về họ soi vào mình và từ đó tự chủ động viết đơn xin thoát nghèo, để nhường cái đó cho địa phương, gia đình nghèo khác. Riêng với xã Yên Khê, trong gần 10 năm nay đã có bước chuyển biến về kinh tế xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, cây chè nên đời sống người dân đã nâng lên rõ rệt, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn.

Tại xã Bồng Khê (huyện Con Cuông), xuất phát từ địa hình miền núi tiềm năng đất đai rộng lớn, khí hậu phù hợp, địa phương chủ trương tập trung quy hoạch xây dựng và cơ cấu kinh tế vùng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình trang trại, gia trại, cây ăn quả, chè công nghiệp, vườn rừng. Xã còn thực hiện có hiệu quả các đề án sản xuất nông, lâm nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị kinh tế.

"Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách giảm nghèo, gương sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo đã khơi dậy được ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân trên toàn huyện. Nhiều hộ dân đã nhận thức và thay đổi tư duy, hành động tự lực vươn lên thoát nghèo", ông Vi Trung Định - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông - chia sẻ.

"Địa phương luôn tuyên truyền và có các cơ chế, mô hình để nhân dân áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó, nhân dân huyện Con Cuông đã hiểu và trở thành phong trào thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Trong nhiều năm qua, nhiều hộ dân viết đơn xin thoát nghèo, thực sự là một làn gió mới cho "cuộc cách mạng" giảm nghèo ở huyện nghèo chúng tôi", ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông - cho biết.

Ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: "Hiện các địa phương đang gấp rút tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những lá đơn xin thoát nghèo ở Con Cuông, Anh Sơn và Quỳ Châu sẽ có tác động tích cực trong việc động viên người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống".

Việc nhiều hộ gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa, còn khó khăn của huyện miền núi Con Cuông tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền và người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt là sự đổi mới trong chính sách giảm nghèo theo hướng "trao cần câu, không trao con cá".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm