92% nạn nhân mua bán người là phụ nữ và trẻ em

30/07/2018 - 10:49
Hiện nay, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 900 người bị mua bán (trong đó 92% là phụ nữ và trẻ em). Để hạn chế tình trạng này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp giữa các cấp, ngành bằng những hành động cụ thể.

Ngày 28/7 vừa qua, tại TP Sơn La (Sơn La) Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an, UBND tỉnh Sơn La tổ chức lễ Mít tinh hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" năm 2018.

Tham dự lễ Mít tinh lần này có sự tham dự của lãnh đạo TƯ HLHPN Việt Nam; lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; UBND tỉnh Sơn La cùng hơn 600 đại biểu đại diện lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của 12 tỉnh/thành phố trọng điểm của phía Bắc về mua bán người, di cư trái phép...

a4.jpg
Tọa đàm bàn về thực trạng và giải pháp phòng, chống mua bán người.

Đây là sự kiện quan trọng nhằm huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng an toàn và bền vững trong bối cảnh tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực đang trở thành vấn đề phức tạp.

a7.jpg
Biểu diễn văn nghệ tại lễ mít tinh.

Tại lễ Mít tinh lần này, các đại biểu cũng đưa ra những con số thống kê giai đoạn 2011 - 2017, tại Việt Nam các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người. Như vậy, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 900 người đã bị mua bán (trong đó 92% là phụ nữ và trẻ em) và tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. 

a1.jpg
Các đại biểu tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày phòng, chống mua bán người 30/7.

Phát biểu tại lễ Mít tinh, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPNVN - chia sẻ: Do đặc điểm phần lớn nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em gái, vì vậy trong nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động, triển khai nhiều mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng như: truyền thông phiên chợ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ nhóm... và từ những mô hình này, Hội Phụ nữ các cấp đã nhân rộng tại nhiều địa bàn, tạo hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên khắp địa bàn trọng điểm.

Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam cam kết và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp của các ngành chức năng trong việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các thủ tục đi lao động ở nước ngoài, các thủ tục và điều kiện vay hỗ trợ lao động nước ngoài, các thủ tục pháp lý khi kết hôn với người nước ngoài, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và những rủi ro trong và sau quá trình đi lao động, những biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi bị mua bán khi đi lao động.

pct.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, phát biểu tại buổi lễ
 

“Chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, các tổ chức Phi Chính phủ, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hãy cùng với Chính phủ Việt Nam xóa bỏ nạn mua bán người và hỗ trợ những nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về an toàn, hòa nhập cộng đồng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh.

a2.JPG
Ký cam kết về phòng, chống mua bán người.

Kết thúc buổi lễ, các đại biểu tham dự đã cùng ký cam kết về phòng, chống mua bán người và diễu hành hưởng ứng ngày 30/7 ở nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Sơn La.

a5.jpg
Đoàn diễu hành đi qua nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Sơn La.

Cũng trong khuôn khổ “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2018, HLPNVN đã phối hợp với Ban chỉ đạo 138 Chính phủ, Bộ công an và UBND tỉnh Sơn La tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với công tác phòng, chống mua bán người năm 2018 và Hội thảo “Bàn giải pháp phòng, chống mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm