AHF: WHO phải tuyên bố Covid-19 là đại dịch ngay bây giờ

PV
07/03/2020 - 10:40
AHF: WHO phải tuyên bố Covid-19 là đại dịch ngay bây giờ
Covid-19 ở cả 5 châu lục với quốc gia hoặc vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng đã lên tới 96 nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa tuyên bố bùng phát đại dịch. Điều này đã gây quan ngại và lo lắng cho dư luận thế giới.

"Nhiều quốc gia hoàn toàn không chuẩn bị năng lực y tế, cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp vật tư y tế để chống lại sự bùng phát rất dễ lây lan và có khả năng kéo dài của Covid-19", ông Michael Weinstein - Chủ tịch Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) đã bày tỏ quan điểm trước tình hình kiểm soát dịch Covid-19.

Ông Michael Weinstein - Chủ tịch Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF)

Ông Michael Weinstein - Chủ tịch Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF)

AHF đã phát lời kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), để đối phó với sự lây lan của chủng mới virus corona (Covid-19) trên khắp 96 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, WHO) phải tuyên bố Covid-19 là một đại dịch đang bùng phát, vì nó sắp trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu và có khả năng tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới.

Chủ tịch AHF Michael Weinstein nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải mang các nguồn lực và sức mạnh chính trị sẵn có của mình để đối phó với mức độ nguy hiểm chưa từng có đối với an ninh y tế công cộng và nền kinh tế toàn cầu. Với tư cách là một cơ quan của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm bảo vệ hòa bình và an ninh toàn cầu, UNSC phải vào cuộc.

Một ca điều trị Covid-19 tại Iran

Một ca điều trị tại Iran

Theo dữ liệu dịch tễ học mới nhất, tổng số ca mắc Covid-19 đã lên tới 101.906 người trên toàn cầu với 3.465 người đã chết, tỷ lệ tử vong gần 3,4%. Với các đợt bùng phát gần đây ở Italy (4.636 ca nhiễm), Iran (4.747 ca nhiễm) và Hàn Quốc (6.593 ca nhiễm), tổng số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng đã lên tới 96.

Mặc dù Covid-19 đang lan rộng ra 5 châu lục, WHO vẫn chưa tuyên bố bùng phát đại dịch. Trong cuộc họp báo mới đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu với truyền thông rằng, virus này có nguy cơ trở thành đại dịch nhưng hiện tại vẫn chưa đạt đến mức độ đó. Ông Tedros lập luận: "Cho đến nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa chứng kiến sự lây lan không kiểm soát ở cấp độ toàn cầu hay bằng chứng về số ca nhiễm bệnh nghiêm trọng và tử vong trên quy mô lớn".

Italy lo lắng khi số người nhiễm virus tăng

Italy lo lắng khi số người nhiễm virus tăng

"Nếu chúng ta chứng kiến những gì đang xảy ra ở Hàn Quốc, Italy và Iran thì những yêu cầu của WHO để tuyên bố mức 6 của đại dịch hoàn toàn được đáp ứng. Dịch bệnh không còn được kiểm soát", bác sĩ Jorge Saattedra - Giám đốc điều hành của Viện Sức khỏe Cộng đồng của AHF Toàn cầu tại Đại học Miami nhấn mạnh.

Liên quan đến tỷ lệ tử vong cao do Covid-19 ở Iran (4.747 ca nhiễm, 124 trường hợp tử vong), Tiến sĩ Saattedra cho biết, UNSC nên xem xét việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt để nước này có thể nhanh chóng nhập khẩu hàng hóa y tế công cộng để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. "Trước tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và thế giới đang đứng trước đại dịch - ý thức hệ, địa chính trị, và các cuộc tranh chấp bản quyền cũng như tranh giành lợi nhuận cần phải được đặt sang một bên vì lợi ích của cả nhân loại", ông nói.

Trái ngược với quan điểm của Tiến sĩ Tedros, Tổng Giám đốc WHO, tài liệu hướng dẫn của WHO có tiêu đề "Giai đoạn cảnh báo đại dịch hiện tại của WHO về Đại dịch (H1N1) 2009" chỉ ra rằng, mức cảnh báo về dịch bệnh lên mức 6 được xác định, khi có sự lây nhiễm từ người sang người trong cộng đồng rộng lớn ở ít nhất 2 lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Mặc dù hướng dẫn được biên soạn riêng cho đợt bùng phát H1N1 năm 2009, sự lây lan của Covid-19 đã vượt xa các yêu cầu đánh giá này.

Nguồn: AHF
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm