pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấm lòng những “suất cơm 0 đồng”
Bà Trần Thị Giang (giữa) chuẩn bị những suất cơm phát cho người có hoàn cảnh khó khăn
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều trường hợp là lao động tự do, sinh viên... bị "mắc kẹt" tại Hà Nội. Không thể đi làm, cũng không thể về quê, nhiều người đã phải vay mượn tiền của người thân để cầm cự, cố gắng bám trụ lại Hà Nội. Thấu hiểu những khó khăn đó, bà Trần Thị Giang và một gia đình hàng xóm đã cùng Đoàn thanh niên phường Phú Đô tổ chức nấu hàng trăm suất cơm để chia sẻ khó khăn với người lao động không có thu nhập trong mùa dịch.
"Tôi là người ở làng Phú Đô, nhà chuyên nấu cơm bình dân. Những ngày giãn cách xã hội, quán đóng cửa để phòng dịch. Thấy nhiều người lao động và sinh viên không về quê được, tôi có sẵn đồ nghề nên huy động người nhà nấu những suất cơm này để giúp mọi người trong những ngày khó khăn này. Biết ý định của gia đình tôi, nhà hàng xóm nhiệt tình tham gia. Vì chỉ có 2 gia đình chung sức nên không có nhiều kinh phí, chúng tôi dự định nấu các suất ăn miễn phí trong 7 ngày, mỗi ngày khoảng 300 - 400 suất", bà Giang chia sẻ.
Anh Ngô Minh Đức, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên phường Phú Đô, tâm sự: "Suốt thời gian vừa qua, cùng các đoàn thể ở phường chung tay phòng, chống dịch, chúng tôi đều đã rất mệt. Nhưng mọi người động viên, bảo nhau cùng cố gắng thêm chút nữa. Ai mệt thì nghỉ, ai khỏe thì làm tiếp. Tôi mong rằng việc nấu cơm miễn phí như thế này sẽ có nhiều người tham gia, được duy trì đến khi thành phố hết giãn cách, để không có ai bị đói. Tất cả đều cùng khỏe mạnh để phòng, chống dịch".
Nhận "suất cơm 0 đồng", chị Cà Thị Ngọc (38 tuổi, quê ở Sơn La) mừng rơi nước mắt. Chị kể: "Tôi ở Sơn La xuống Hà Nội làm công nhân xây dựng. Từ ngày Hà Nội giãn cách, tôi phải nghỉ làm, chủ chỉ hỗ trợ một phần tiền ăn. Nếu về quê thì tôi phải đi cách ly tập trung nên tôi quyết định ở lại. Sáng nay, có chị hàng xóm gần khu trọ chỉ ra đây lấy cơm miễn phí. Nhận hộp cơm có đủ món, nhiều thức ăn mà tôi mừng quá. Lúc khó khăn thế này, bữa ăn chỉ cần có cơm trắng và rau luộc đã tốt lắm rồi, đây lại còn có cả thịt, cá, trứng".
Cũng là một người lao động tự do đến từ Hưng Yên, không đủ khả năng về quê, bà Linh (56 tuổi) vui mừng khi hay tin ở nhà văn hóa có chương trình "bữa cơm 0 đồng" hỗ trợ người nghèo. Đến nhận cơm, thấy những người trong tổ thiện nguyện hối hả đóng gói cơm vào hộp, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, bà Linh không khỏi bất ngờ. "Bữa cơm nghĩa tình hôm nay giúp tôi giảm được một phần chi phí trong mùa dịch. Tôi vô cùng cảm động khi thấy các bà, các cô, các em thoăn thoắt làm việc", bà Linh nói.
Vừa nhận một suất cơm treo trên ghi đông chiếc xe đạp chuẩn bị ra về, bà Nguyệt, người làng Phú Đô, xúc động chia sẻ: "Đợt dịch này kéo dài mà nguy hiểm quá, tôi ở đây không có việc làm, không có lương hưu hay thu nhập gì. Nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, một bữa cơm trưa miễn phí hay mấy cân gạo, chục trứng, bó rau... cũng giúp cuộc sống của những người nghèo như chúng tôi bớt khó khăn".
Trao đổi với PV Báo PNVN, lãnh đạo UBND phường Phú Đô, cho biết, trên địa bàn có nhiều người ở nơi khác đến thuê trọ, sinh sống và làm việc. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người không đi làm được, dẫn tới việc không có thu nhập. "Trước thực trạng đó, trên địa bàn có nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra nấu những suất cơm từ thiện, tặng gạo, thực phẩm. Chúng tôi đánh giá cao những việc làm này và kêu gọi cộng đồng có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ những người gặp khó khăn", vị lãnh đạo này thông tin.
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc phường Phú Đô đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN phường, Đoàn Thanh niên phường tổ chức kêu gọi các "mạnh thường quân", nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cùng chung tay hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ ăn khô... cho những lao động đang gặp khó khăn, sinh viên bị mắc kẹt vì dịch bệnh Covid-19, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Phường Phú Đô đã tổ chức phát 128 suất quà, mỗi suất gồm 10kg gạo, lạc và trứng cho các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; tổ chức 2 đợt phát gạo và mỳ tôm miễn phí cho học sinh, sinh viên, người lao động bị kẹt lại do giãn cách xã hội với 1.800 suất.