pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấn Độ: Nhức nhối tình trạng bỏ rơi phụ nữ cao tuổi
Một bà lão không nơi nương tựa
"Nước mắt không chảy ngược"
Tại một thành phố nhỏ thuộc miền Bắc Ấn Độ, Viện Phúc lợi Xã hội Saint Hardyal (SHEOWS), nơi chuyên cưu mang trẻ mồ côi và người già neo đơn, hiện có khoảng 320 người. Gần như tất cả số người già ở đây đều bị gia đình bỏ rơi.
Một cụ bà trải qua hơn 8 năm sống tạm bợ ở một ngôi đền. Các con ruột đã bỏ mặc bà tại đó. Một phụ nữ lớn tuổi khác kể lại việc bị đứa con trai mình từng hết mực yêu thương đuổi ra khỏi nhà.
Ở tuổi ngoài 80, bà Amrit Kaur từ Punjab đến New Delhi cùng con trai để thăm một người họ hàng. Con trai đã bỏ rơi bà ở nhà ga xe lửa. Sau vài tháng, bà được cảnh sát chuyển đến một nơi dành cho người vô gia cư. Các nhân viên xã hội tại nơi này cho biết, ban đầu bà Amrit bị sốc và không nói được mạch lạc.
Còn bà Shushila Jain, khoảng 80 tuổi, đẩy một chiếc ghế nhựa như một thiết bị tập đi tạm thời và nhìn quanh phòng thấy rất nhiều người khác giống mình. Bà nuôi dạy 4 người con và chăm sóc bố mẹ chồng, chồng và 3 người cháu trai. Nhưng không ai chăm sóc bà khi bà cần. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra với mình", bà than thở.
Ông Saurabh Bhagat, Giám đốc điều hành SHEOWS, cho biết: "Hầu như không có ai đến tìm người thân ở chỗ chúng tôi cả". Cha của Bhagat, Girdhar Prasad Bhagat, đã lập ra SHEOWS cách đây hơn 20 năm, thời điểm ông bắt đầu nhìn thấy những mảnh đời sống lang thang trên đường phố New Delhi.
Birbati, một nhân viên nhiều năm làm công việc chăm sóc người cao tuổi tại SHEOWS, bùi ngùi nói: "Mỗi bà cụ đều có một câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều thật buồn". Những câu chuyện về những người bị bỏ rơi thường không đầy đủ do khoảng trống thời gian, sự im lặng của họ, đôi khi là "sương mù" của chứng mất trí.
Tình trạng bỏ rơi phụ nữ cao tuổi là điều khá phổ biến tại Ấn Độ mặc dù theo truyền thống, giáo lý tôn giáo và luật lệ ở quốc gia đông dân nhất thế giới này luôn đề cao bổn phận của con cái trong chăm sóc cha mẹ. Tuổi tác làm tăng thêm khó khăn cho nhiều phụ nữ cao tuổi trong một xã hội bất bình đẳng giới. Họ phải đối mặt với nhiều thách thức do túng thiếu và các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi già.
Theo Báo cáo về tình trạng già hóa dân số Ấn Độ năm 2023, nước này có 149 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 10,5% dân số cả nước. Con số này có khả năng tăng gấp đôi vào năm 2050.
Ở Ấn Độ, 40% người cao tuổi nằm trong nhóm 20% người nghèo nhất và khoảng 18,7% trong số họ đang sống mà không có thu nhập. Phụ nữ cao tuổi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khiến họ dễ bị tổn thương.
Quốc hội Ấn Độ đã thông qua Đạo luật "Bảo vệ phúc lợi của cha mẹ và người cao tuổi" vào năm 2007 để đảm bảo con cái đã trưởng thành có trách nhiệm chăm sóc người thân lớn tuổi của mình. Dự luật "Bảo vệ quyền của góa phụ" đã được đưa ra vào năm 2022 nhưng không có kết quả gì.
Theo tổ chức Help Age India, 25% người già Ấn Độ phải đối mặt với sự ngược đãi của chính gia đình mình. Bộ Tư pháp Xã hội và Trao quyền của Ấn Độ, cơ quan giám sát luật, đã không công bố dữ liệu về số lượng khiếu nại mà họ đã nhận được.
Riêng bang Kerala cho biết, vào năm 2022, các tòa án của bang này đã xử lý khoảng 20.000 vụ việc kể từ khi Đạo luật được thông qua. Các cuộc khảo sát cho thấy, phần lớn người cao tuổi không biết về quyền của họ. Ngay cả khi họ biết, nhiều người cũng không có khả năng đưa người thân của mình ra tòa.
Bến đỗ bình yên
Những trung tâm bảo trợ không chỉ mang lại mái ấm mà còn tạo nguồn thu nhập cho người già neo đơn thông qua một số công việc phù hợp với họ. Từ khi thành lập đến nay, tổ chức phúc lợi SHEOWS đã cưu mang hơn 10.000 người già cơ nhỡ. Tuy vậy, đội ngũ nhân viên tại đây cũng không chắc số lượng thực tế người cao tuổi bị bỏ rơi, phải sống lang thang là bao nhiêu.
Bao quanh một viện phúc lợi, một bức tường lớn được viết những thông điệp ý nghĩa: "Hãy tiếp tục mỉm cười!", "Yêu thương và tôn trọng người cao tuổi!", "Thấy hạnh phúc và bạn sẽ tự do". Nếu những người ngược đãi cha mẹ mình chọn cách nghĩ khác, những lời kêu gọi cùng những trung tâm bảo trợ thế này đã không cần tồn tại.
Ở những trung tâm như SHEOWS, người cao tuổi bị bỏ rơi cảm thấy được sẻ chia. Có thể không còn người thân bên cạnh nhưng tại đây, họ tìm thấy một chốn bình yên, những bữa cơm ấm nóng và tình bạn, tình người.
Những người coi nơi này là nhà có thể đã bị gia đình mình ruồng bỏ nhưng họ đã tìm được sự ấm áp từ cư dân nơi đây. Những nụ cười nở trên những khuôn mặt khắc khổ khi hai bàn tay chắp lại với nhau như một dấu hiệu chào đón hoặc đặt lên đầu du khách, nhẹ nhàng xoa tóc họ để ban phước lành.
"Không phải họ không nhớ nhà nhưng đến một lúc, tôi nhìn ra nhiều bà cụ dần vơi đi nỗi đau", ông Bhagat nói.
Nằm gọn trong một góc của trung tâm SHEOWS là những chồng hồ sơ, mỗi người một hồ sơ, được cất trong các ngăn tủ. Mỗi hồ sơ tương đương với lịch sử của một người tại đây, bắt đầu từ nơi họ được tìm thấy.
Một chồng hồ sơ khác là về những người mà con cái của họ đã quay lại để tìm cha mẹ mình, điền vào giấy tờ để đón họ và in dấu vân tay màu tím lên đó để chính thức hóa thủ tục. Nhưng nhiều hồ sơ trở nên dày hơn và rách nát cho đến khi được chèn một dải giấy kẻ ô mỏng với các đường thẳng điện tâm đồ. Người ta không nói gì khi ai đó đến đây: Rất có thể, đây là nơi họ sẽ từ giã cõi trần.