Ấn Độ: Đài phát thanh trao quyền cho phụ nữ ở nông thôn

Kim Ngọc
23/10/2023 - 07:07
Ấn Độ: Đài phát thanh trao quyền cho phụ nữ ở nông thôn

Zubaida, một phụ nữ nghe đài phát thanh lâu năm, tại nhà ở Sakras, Ấn Độ. Đài phát thanh vẫn là phương tiện ưa chuộng của hàng triệu người Ấn Độ.

Thông qua các chương trình của mình, đài phát thanh ở bang Haryana, Ấn Độ, đã trở thành chất xúc tác tạo nên những thay đổi tích cực cho phụ nữ.

Một nhóm phụ nữ tụ tập trong căn phòng quét vôi trắng nhìn ra cánh đồng cải vàng. Họ vừa điều chỉnh khăn trùm đầu vừa ngồi xuống chiếc thảm cũ kỹ, tất cả vây quanh một cái loa.

"Các bạn, hôm nay chúng ta sẽ nói về một chủ đề cực kỳ quan trọng với tất cả chúng ta", người dẫn chương trình phát thanh thông báo bằng tiếng Urdu. Sau đó là chương trình dài 30 phút về sức khỏe tinh thần. Một nhà tâm lý học bắt đầu cuộc thảo luận nhóm, nơi những người phụ nữ chia sẻ câu chuyện cá nhân của họ.

Đó là "Alfaz-e-Mewat" hay tiếng nói của người Mewati, một đài phát thanh cộng đồng kết hợp giữa trị liệu nhóm, giáo dục, trao quyền cho phụ nữ và giải trí. Thính giả của đài là hàng triệu người dân ở Nuh, một huyện nông thôn ở chân núi Aravali, bang Haryana (miền bắc Ấn Độ). Với một khu vực có tỷ lệ phụ nữ biết đọc và biết viết thấp nhất cả nước, tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến và bạo lực đối với phụ nữ là chuyện bình thường như Nuh thì đài phát thanh chính là chất xúc tác tạo nên thay đổi cho phụ nữ nơi đây.

Ngay cả trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đài phát thanh vẫn là phương tiện được hàng triệu người Ấn Độ ưa chuộng. Ở Nuh, "Alfaz-e-Mewat" đóng vai trò đột phá trong việc thay đổi thái độ với việc tiêm vaccine Covid-19, giáo dục và trao quyền cho phụ nữ.

Đài phát thanh khiến chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi có thể mang lại sự thay đổi thực sự, rằng chúng tôi cũng có quyền bình đẳng như nam giới.

Bhagwan Devi, 51 tuổi

Được truyền cảm hứng từ đài phát thanh, Bhagwan Devi, 51 tuổi, bắt đầu chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh trong nhà ở làng Bhadas của mình. Dân làng ở đây thường sử dụng cánh đồng làm nhà vệ sinh, nhưng trong khi đàn ông thoải mái sử dụng nó vào bất kỳ lúc nào thì phụ nữ chỉ dùng khi đàn ông đã ngủ.

Điều đặc biệt ở "Alfaz-e-Mewat" là sự tương tác với thính giả. Đài tuyển dụng người dân địa phương làm phóng viên. Devi, người nhận được một chiếc radio làm quà cưới vào năm 1988 Devi, cũng tham gia vào ủy ban tư vấn nội dung cho đài.

Ấn Độ: Đài phát thanh trao quyền cho phụ nữ ở nông thôn - Ảnh 1.

Bhagwan Devi được đài phát thanh truyền cảm hứng để bắt đầu chiến dịch xây dựng nhà vệ sinh bên trong các ngôi nhà ở làng Bhadas.

Ấn Độ: Đài phát thanh trao quyền cho phụ nữ ở nông thôn - Ảnh 2.

Phòng thu âm của “Alfaz-e-Mewat” ở Ghaghas, Ấn Độ. “Alfaz-e-Mewat” là đài phát thanh cộng đồng kết hợp giữa trị liệu nhóm, giáo dục, trao quyền cho phụ nữ và giải trí.

Anjali Makhija, giám đốc điều hành của SM Sehgal Foundation, tổ chức phi lợi nhuận thành lập "Alfaz-e-Mewat" vào năm 2012, cho biết: "Đài phát thanh cộng đồng mang đến cho phụ nữ một nền tảng không chỉ trong vai trò thính giả để tiếp nhận thông tin mà còn với tư cách là những người tham gia tích cực". Mục tiêu ban đầu là cải thiện bảo tồn nước và nông nghiệp tốt hơn trong cộng đồng nông nghiệp này.

Tuy nhiên, vì hầu hết công việc đồng áng, chủ yếu là kê, đều do phụ nữ đảm nhận nên để đạt được các mục tiêu đó, trước tiên cần phải trao quyền cho những phụ nữ này để họ đưa ra các quyết định tốt hơn về cuộc sống của mình. Chỉ khoảng một phần ba phụ nữ trong huyện biết chữ và 90% trong số đó bỏ học trước 10 tuổi. Trẻ em gái thường là người cuối cùng được ăn uống trong nhà, sau khi đàn ông ăn xong. Việc đàn ông và phụ nữ lớn tuổi ức hiếp và đôi khi bạo lực đối với con dâu cũng là điều bình thường.

Ấn Độ: Đài phát thanh trao quyền cho phụ nữ ở nông thôn - Ảnh 3.

Hầu hết công việc đồng áng được thực hiện bởi phụ nữ ở Nuh, một huyện nông nghiệp nông thôn ở bang Haryana phía bắc Ấn Độ, nơi có tỷ lệ phụ nữ biết đọc biết viết thấp nhất đất nước.

Subhi Agarwal, nhà tâm lý học kiêm nhà nghiên cứu độc lập đã xuất hiện trên đài từ năm 2019, cho biết: "Lạm dụng đã được bình thường hóa trong văn hóa của chúng tôi đến mức phụ nữ nghĩ rằng không có ích gì khi nói về nó". Vì vậy, bà cho biết chỉ cần được nghe các chương trình radio phù hợp với họ và thảo luận về các vấn đề họ gặp phải đã là "một điều rất lớn" với phụ nữ trong cộng đồng. Đài từng giúp kết nối một người gọi đến để trình báo việc bị chồng bạo hành với một quan chức địa phương chuyên hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Hiện nay, mỗi ngày đài phát sóng 13 giờ với các nội dung bằng tiếng Hindi, tiếng Urdu và Mewati trên tần số 107,8 FM ở 225 ngôi làng của khu vực Mewat, nơi sinh sống của người dân tộc Meo theo đạo Hồi và dân tộc thiểu số theo đạo Hindu.

Buổi sáng gần đây, nhân viên y tế Preeti Yadav đã tham gia một chương trình trực tiếp ở làng Ghaghas về dinh dưỡng. Cô cho biết phụ nữ ở đây đều không chú trọng đến dinh dưỡng nên hầu hết đều bị thiếu máu trầm trọng. "Bạn có thể làm món cà ri giàu protein từ đậu xanh xay", Yadav nói với thính giả khi trả lời câu hỏi về cách sử dụng các nguyên liệu dễ tìm để làm phong phú chế độ ăn uống của phụ nữ.

Nếu không có đài phát thanh, các con gái của tôi hiện sẽ chỉ ở nhà.

Zubaida, 61 tuổi

Zubaida, một người phụ nữ 61 tuổi chưa từng được đi học, sống ở làng Sakras gần đó. Là người nghe đài phát thanh lâu năm, bà đã khuyến khích các con gái của mình học hết cấp 3, đại học và cuối cùng làm những công việc thường do nam giới đảm nhiệm. Zubaida có một cô con gái làm việc trong văn phòng của quan chức chính phủ hàng đầu trong khu vực và lái ô tô, một điều hiếm thấy với phụ nữ nông thôn ở vùng này. Một người con gái khác của bà đang học luật ở Anh.

Ấn Độ: Đài phát thanh trao quyền cho phụ nữ ở nông thôn - Ảnh 4.

Zubaida cho biết đài phát thanh đã giúp bà thúc đẩy các con gái của mình học đại học và cuối cùng làm những công việc thường do nam giới đảm nhiệm.

Ở Hamzapur, một ngôi làng hẻo lánh trong huyện, tiếng kèn harmonica vang vọng từ một ngôi nhà của Kalsum, 33 tuổi. Cô và bố chồng đang ngồi trong sân và nghe "Qisse Kahani", một trong những chương trình nổi tiếng nhất của đài, với các bài hát dân gian do những người kể chuyện Mewati hát về những vị vua dũng cảm và chiến trường.

Cô Kalsum, lấy chồng năm 16 tuổi và có 5 người con, cho biết bố chồng khuyến khích cô nghe đài để tiếp thu những lời khuyên quan trọng về việc mang thai và chăm sóc con cái. Mặc dù không biết chữ nhưng những lời khuyên đó đã giúp Kalsum có công việc làm nhân viên y tế địa phương, chịu trách nhiệm chăm sóc những phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh khác trong khu vực.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có việc làm. Đài phát thanh đã cho tôi mọi thứ", Kalsum nói về việc đài phát thanh đã giúp phụ nữ ở Nuh cảm thấy bản thân họ có giá trị như thế nào.

Nguồn: New York Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm