pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cơ hội cho phụ nữ nông thôn miền Tây phát triển kinh tế xanh
Phụ nữ nông thôn miền Tây còn có thiếu thông tin để chủ động hơn phát triển kinh tế
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - thạc sĩ Phát triển Nông thôn, chuyên gia tư vấn về nông nghiệp thuận tự nhiên và phát triển cộng đồng, người điều hành Dự án "Abavina - Cộng Đồng Nông nghiệp Thuận Thiên" chia sẻ về vấn đề này.
Qua quá trình thực hiện các dự án đào tạo và phát triển, chị nhận thấy phụ nữ nông thôn miền Tây còn có những hạn chế gì trong việc chủ động phát triển kinh tế, cả về chủ quan và khách quan?
Về chủ quan, tôi cho rằng, trình độ học vấn và kiến thức về sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là các kỹ thuật về sản xuất xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phụ nữ nông thôn miền Tây còn thiếu kiến thức về quản lý tài chính, kinh doanh; thiếu tự tin, ngại tiếp xúc với thị trường. Về khách quan, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, thiếu vốn, thiếu cơ hội tiếp cận thị trường. Ngoài ra còn có sự phân biệt đối xử giới trong sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian qua, chị đã có những dự án gì để đào tạo, hỗ trợ phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế?
Chúng tôi có 2 dự án. Dự án "Abavina - Cộng Đồng Nông nghiệp Thuận Thiên" bắt đầu triển khai từ năm 2017 đến nay đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho hơn 7.000 lượt phụ nữ nông thôn miền Tây về các kiến thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài chính, kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác… qua các lớp đào tạo tại cộng đồng Abavina tại Cần Thơ, Hậu Giang, thông qua việc hợp tác đào tạo với các tổ chức phi chính phủ.
Còn Dự án "Phát triển cộng đồng nông nghiệp Thuận Thiên thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long" đang thực hiện theo lộ trình từ năm 2023 - 2025 hướng đến việc hỗ trợ những phụ nữ nông thôn miền Tây muốn áp dụng các phương pháp canh tác và quản lý thân thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi cung cấp kiến thức, kỹ thuật và hỗ trợ tư vấn để giúp họ tăng cường hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng hợp tác với các tổ chức có quan tâm đến phát triển cộng đồng nông nghiệp thân thiện môi trường và tạo ra cơ hội cho phụ nữ trong lĩnh vực này.
Để xây dựng điển hình sản xuất và lan tỏa phương pháp thực hành nhằm thúc đẩy hình thành cộng đồng nông nghiệp xanh dựa vào tài nguyên bản địa, đơn vị đã cụ thể hóa các biện pháp như thế nào?
Để tạo điển hình sản xuất và lan tỏa phương pháp thực hành để thúc đẩy hình thành cộng đồng nông nghiệp xanh dựa vào tài nguyên bản địa, Abavina đã thực hiện nhiều biện pháp như: Cùng nông hộ xây dựng phương án sinh kế nông nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa được thiết kế tùy chỉnh theo đặc điểm của từng nông hộ, theo hướng tối ưu hoá trên tài nguyên sẵn có và tăng thu nhập.
Đồng hành, huấn luyện nông hộ biết tổ chức và quản lý kinh tế hộ gia đình, phát triển tư duy tự chủ, năng lực tự chủ và năng lực hợp tác của nông hộ. Liên kết nông hộ tham gia chuỗi cung ứng nông sản của Abavina. Kết nối thị trường và phân phối sản phẩm đầu ra. Thúc đẩy hợp tác phát triển giữa nông hộ và các bên liên quan, thúc đẩy kết nối, học hỏi, hợp tác nguồn lực.
Tạo điển hình sản xuất và lan tỏa phương pháp thực hành để thúc đẩy hình thành cộng đồng nông nghiệp quy mô nhỏ dựa vào tài nguyên bản địa. Theo đó tài nguyên địa phương tối ưu hoá trong mô hình sản xuất tuần hoàn, khai thác bền vững và phục hồi hệ sinh thái.
Cùng với đó, chúng tôi đào tạo phát triển các dòng sản phẩm giá trị gia tăng (nông sản, thảo dược) từ tài nguyên bản địa, tạo giá trị gia tăng cho nông hộ sản xuất, người tiêu dùng và địa phương. Phát triển thị trường, phân phối sản phẩm cho nông hộ và xây dựng thương hiệu nông sản thuận tự nhiên Abavina. Truyền thông và thúc đẩy nhân rộng mô hình cộng đồng nông nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa.
Đầu ra cho sản phẩm luôn là vấn đề khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, đặc biệt đối với các hộ sản xuất nông thôn. Đơn vị đã đào tạo, hỗ trợ phụ nữ nông thôn miền Tây như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi đã hỗ trợ phụ nữ nông thôn miền Tây theo các hướng rất cụ thể, như hỗ trợ các chị em tham gia các hoạt động kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, hội thảo. Hỗ trợ các chị em xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm. Tạo điều kiện để khách hàng gặp trực tiếp khách hàng tiềm năng tại vườn, tại cơ sở kinh doanh, tại sự kiện…
Theo chị, trong thời gian tới, phụ nữ nông thôn cần được đào tạo thêm những kỹ năng, kiến thức gì để phát triển kinh tế xanh?
Đây là những kỹ năng, kiến thức cơ bản giúp phụ nữ nông thôn có thể áp dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người. Một số kỹ năng, kiến thức cụ thể bao gồm: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng hữu cơ, sinh thái, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Kỹ thuật sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, tiết kiệm. Kỹ thuật xử lý chất thải, rác thải trong sản xuất nông nghiệp. Kỹ năng, kiến thức về kinh doanh, quản lý tài chính
Để phát triển kinh tế xanh, phụ nữ nông thôn cần có những kỹ năng, kiến thức về kinh doanh, quản lý tài chính để có thể xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh bền vững. Ngoài ra, phụ nữ nông thôn cũng cần được đào tạo về các kỹ năng mềm khác như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian.
Theo chị, để đào tạo kỹ năng, kiến thức cho phụ nữ nông thôn, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan nào?
Cơ quan nhà nước cần xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn. Hội phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho phụ nữ nông thôn. Các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các chương trình đào tạo cho phụ nữ nông thôn. Cần chú trọng đến việc đào tạo theo nhu cầu thực tế của phụ nữ nông thôn, gắn với phát triển kinh tế xanh. Các chương trình đào tạo cần được tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Việc đào tạo kỹ năng, kiến thức cho phụ nữ nông thôn là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Xin cảm ơn chị!