Ấn tượng với dự án khởi nghiệp từ muối tiêu lốp

Phạm Thương
02/07/2025 - 07:24
Ấn tượng với dự án khởi nghiệp từ muối tiêu lốp

Chị Lê Nguyên Thảo khởi nghiệp với sản phẩm muối tiêu lốp

Dự án “Sản xuất và thương mại muối tiêu lốp” của chị Lê Nguyên Thảo, chủ Cơ sở hồ tiêu Kiết Tường (An Điền, TP Bến Cát, Bình Dương - nay là TPHCM) vừa xuất sắc giành giải Nhất Hội thi trình bày ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2025 do Hội LHPN tỉnh Bình Dương (nay là Hội LHPN TPHCM) tổ chức. Điều ấn tượng của dự án không chỉ ở sự sáng tạo, tính bền vững mà còn là hành trình khởi nghiệp của chủ cơ sở.
Hiện thực hóa giấc mơ dang dở của chồng

Tiêu lốp còn có các tên gọi khác như: tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tim. Đây là giống tiêu được gia đình bên chồng chị Lê Nguyên Thảo trồng từ lâu. Khi mẹ chồng già yếu, không còn đủ sức chăm sóc vườn, chồng chị đã mang giống tiêu này về trồng trên mảnh đất của hai vợ chồng ở Bình Dương. 

Dù là giống tiêu có nguồn gốc lâu đời, chủ yếu trồng ở vùng đất Đông Nam bộ nhưng tiêu lốp lại không phát triển mạnh như tiêu đen, nên ít người biết đến.

Năm 2020, biến cố ập đến với gia đình chị Thảo khi chồng chị đột ngột qua đời, khi ấy con của chị mới lên 5 tuổi. "Chồng tôi rất yêu thích lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2016, anh ấy đã mang giống tiêu lốp về trồng và kiên nhẫn gây dựng vườn tiêu. 

Sau đó, gia đình tôi bắt đầu kinh doanh sản phẩm tiêu lốp sấy khô và sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Sau khi chồng mất, tôi nghĩ, nếu bỏ vườn tiêu mà anh ấy dày công trồng thì mọi cố gắng của ảnh chẳng còn gì để lại. Tôi không đành lòng…", chị Thảo chia sẻ.

Tháng 6/2022, chị Thảo quyết định nghỉ việc ở một công ty Nhật Bản có trụ sở tại tỉnh Bình Dương - nơi chị từng phụ trách mảng nhân sự. Chị dồn tâm sức để tiếp quản và phát triển Cơ sở Hồ tiêu Kiết Tường. 

Khởi nghiệp với muối tiêu lốp - Ảnh 1.

Chị Lê Nguyên Thảo giới thiệu sản phẩm của mình

Không dừng ở việc trồng và bán tiêu khô, chị Thảo tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để nâng cao giá trị của hạt tiêu lốp bằng cách phát triển sản phẩm muối tiêu lốp. Chị mong muốn tạo ra một sản phẩm muối tiêu sạch, thuần tự nhiên, sử dụng chính nguồn tiêu của nhà trồng được, vừa giữ gìn hương vị truyền thống, vừa muốn lưu giữ ký ức đẹp về người chồng của mình.

Để có một hũ muối tiêu đạt chuẩn không hề đơn giản. Chị Thảo đã mất hơn 1 năm để nghiên cứu và sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trong quá trình thử nghiệm, chị nhận ra rằng, nếu dùng loại muối thông thường trôi nổi trên thị trường sẽ không đảm bảo an toàn, có lúc còn có mùi như thuốc tẩy. 

Chị bắt đầu hành trình rong ruổi khắp các địa phương có nhiều ruộng muối như: Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi để tìm nguồn muối tinh khiết, truyền thống. Cuối cùng, chị chọn muối Bình Định để nhập nguyên liệu. Muối được cơ sở của chị hầm thủ công bằng nồi đất, sử dụng củi đốt, giúp giảm độ mặn. 

Khởi nghiệp với muối tiêu lốp - Ảnh 2.

Trái tiêu lốp

Khi kết hợp với tiêu lốp, hương vị trở nên đậm đà, cay nồng, mùi lại dễ chịu. "Tất cả các khâu từ chọn muối, sơ chế, sấy tiêu đều không có chất phụ gia hay chất bảo quản. Thành phần tiêu lốp trong muối cũng khá nhiều, tạo độ thơm đậm đà", chị Thảo nói.

Chia sẻ về những thách thức khi đưa sản phẩm ra thị trường, chị Thảo nhìn nhận: Thị trường gia vị tại Bình Dương hiện nay có sự cạnh tranh rất lớn, nhất là trong phân khúc muối ăn và muối gia vị. 

Trong tỉnh đã có nhiều đơn vị nhỏ và vừa hoạt động ổn định với dòng muối ớt, muối tôm. Nhiều thương hiệu đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, sở hữu mạng lưới khách hàng ổn định và kinh nghiệm sản xuất lâu năm. Đối mặt với những tên tuổi lâu đời, cơ sở của chị Thảo không tránh khỏi áp lực cạnh tranh lớn. 

Tuy nhiên, thay vì chạy đua về giá hay số lượng, chị Thảo lựa chọn chiến lược đi vào phân khúc khách hàng chú trọng đến sức khỏe, hướng đến tiêu chí "ăn sạch - sống xanh". Với hướng đi này, muối tiêu lốp có cơ hội tạo dựng vị trí riêng, hướng đến nhóm khách hàng như: các nhà hàng chay, cửa hàng thực phẩm sạch, các hộ gia đình theo đuổi lối sống lành mạnh.

Khởi nghiệp với muối tiêu lốp - Ảnh 3.

Sản phẩm của cơ sở hồ tiêu Kiết Tường

"Dự án của tôi xây dựng theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phương pháp trồng tiêu hữu cơ và chế biến truyền thống với các tiêu chuẩn khoa học hiện đại. 

Cơ sở cũng đang phối hợp với các trường học địa phương để tổ chức các buổi tham quan, phổ cập kiến thức về làng nghề, sản phẩm bản địa và khởi nghiệp nông nghiệp, qua đó lan tỏa tinh thần gìn giữ giá trị truyền thống và nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tôi nghĩ rằng, đó là sự khác biệt của cơ sở tôi với các đơn vị khác", chị Thảo cho hay.

Nâng tầm sản phẩm từ những góp ý chân thành

Chị Thảo cho biết: "Thời gian đầu, tôi được Hội LHPN địa phương giới thiệu tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, tôi chỉ giới thiệu tiêu lốp sấy. Các chị đã góp ý là sản phẩm còn đơn điệu quá. Sau đó, tôi nghiên cứu thêm muối tiêu lốp. Các chị tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn tôi hoàn thiện mẫu mã, bao bì cho hấp dẫn, bắt mắt. Lúc đầu, tôi chỉ đựng trong hũ nhựa nhỏ như các hộp yaourt".

Khởi nghiệp với muối tiêu lốp - Ảnh 4.

Dự án khởi nghiệp muối tiêu lốp đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương Ảnh: NVCC

Những góp ý chân thành ấy không khiến chị buồn, mà trở thành động lực để chị cải tiến. Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN địa phương, chị được hướng dẫn chỉnh sửa thiết kế bao bì, nhãn mác, được đào tạo kỹ năng thuyết trình, xây dựng thương hiệu, cập nhật xu hướng thị trường.

Hiện nay, vườn tiêu lốp của chị Thảo canh tác theo hướng tuần hoàn hữu cơ trên diện tích 1 hecta. Không chỉ giữ gìn giống tiêu truyền thống, chị còn tạo việc làm cho nhiều lao động nữ, đặc biệt vào mùa vụ thì thuê lao động thời vụ, ưu tiên phụ nữ tại địa phương. 

"Tại tỉnh Bình Dương nói chung và TP Bến Cát nói riêng, chưa có doanh nghiệp tự canh tác tiêu lốp và sản xuất ra sản phẩm gia vị với sự kết hợp thuần tuý từ trái tiêu lốp và nguồn muối của Việt Nam. 

Các dự án tham gia được đầu tư kỹ lưỡng, đa dạng về ý tưởng, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, du lịch, nông nghiệp... Chủ đề của hội thi đã được các thí sinh khai thác hiệu quả. Nhiều dự án thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc với kế hoạch rõ ràng, biết ứng dụng công nghệ tiên tiến. Dự án đoạt giải Nhất năm nay về sản phẩm tiêu lốp khá ấn tượng. Dự án đã góp phần giải quyết việc làm người yếu thế, tạo thu nhập ổn định cho họ; sử dụng lao động nữ tại địa phương”.

Ông Phan Đình Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH ANGELS 4 US, thành viên ban giám khảo Hội thi trình bày ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2025 do Hội LHPN tỉnh Bình Dương tổ chức

Cơ sở chúng tôi đã sử dụng và phát triển tài nguyên bản địa, tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương. Sản phẩm của chúng tôi đã được chứng nhận OCOP 3 sao, đang dần hiện hữu trong bữa ăn của nhiều gia đình. Thành công bước đầu này không chỉ dành cho riêng tôi mà còn là động lực để các chị em khác tự tin hơn, dám nghĩ, dám làm", chị Thảo chia sẻ.

Chị Thảo đang làm hồ sơ nâng cấp chứng nhận sản phẩm muối tiêu lốp lên OCOP 4 sao. Hiện cơ sở có các dòng sản phẩm chủ lực như: muối tiêu lốp, tiêu lốp sấy, muối hầm bằng nồi đất… 

Trong thời gian tới, chị Thảo dự định đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mở rộng mạng lưới phân phối tại Bình Dương và các tỉnh lân cận. Xa hơn, chị còn ấp ủ ý tưởng tạo sản phẩm rượu tiêu lốp dùng để xoa bóp. Đây một hướng đi mới từ nguyên liệu bản địa. 

"Tôi tin rằng, sản phẩm của mình với nguồn muối sạch, tiêu lốp bản địa sẽ có cơ hội lớn trong phân khúc gia vị tầm trung, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và truy xuất nguồn gốc", chị Thảo phấn khởi chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm