Áp lực đồng trang lứa và sự thao túng từ tâm lý gia đình

Lan Hương
27/09/2022 - 07:20
Áp lực đồng trang lứa và sự thao túng từ tâm lý gia đình

Ảnh minh họa

Áp lực đồng trang lứa nghĩa là một dạng sức ép tâm lý, dẫn đến các biểu hiện tiêu cực. Sức ép này có nguồn gốc từ việc bị chính bản thân hoặc người khác - nhất là gia đình - so sánh với bạn bè cùng trang lứa. Sự so sánh ở đây là về ngoại hình, năng lực (học tập, làm việc) lẫn xuất thân hoặc thành tựu, với tần suất liên tục...

Áp lực đồng trang lứa xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên biểu hiện nặng nhẹ sẽ khác nhau. Trẻ mầm non, mẫu giáo dễ có biểu hiện tiêu cực như giận dỗi, thậm chí là gây gổ với những đứa trẻ khác, được cha mẹ chúng yêu thương hơn, thường là anh chị em họ trong gia đình. Với những học sinh, đó là việc bị bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, cho bằng bạn bằng bè. Nhưng nguy hiểm hơn cả, các em lâm vào tình trạng mê say với những cuộc ganh đua điểm số. Và khi không thỏa nguyện, tâm lý của các em bị kéo xuống rất sâu. Người lớn cũng có những cuộc đua vô hình với bạn bè đồng trang lứa, nhất là về địa vị, gia sản, thành công trong xã hội.

Tuy nhiên, việc dễ bị áp lực bởi bạn đồng lứa thường xuất hiện trong giai đoạn vị thành niên vì đây là lúc chúng ta bắt đầu nhận thức được cảm giác thuộc về và cần định hướng trong hành vi để có thể tìm kiếm hội nhóm của mình. Trước khi bước vào đời, áp lực đồng lứa đã bắt nguồn từ mối quan hệ của chúng ta và bố mẹ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người mẹ có xu hướng kiểm soát con cái thái quá bằng các hành vi thao túng tâm lý, như khiến trẻ cảm thấy tội lỗi hoặc lo sợ, đối xử với trẻ như em bé và không cho phép con tự do ra quyết định, thường khiến trẻ cảm thấy bối rối và mất định hướng trong hành vi. Điều này dẫn đến việc trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi bạn đồng lứa hơn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc kiểm soát tâm lý này kìm kẹp trẻ trong việc khám phá nhu cầu của bản thân, dẫn đến việc không thể đưa ra nhận định và quyết định mang tính cá nhân ở trẻ, thành ra trẻ buộc phải nhìn người khác mà sống. Liệu có phải việc cảm thấy bản thân yếu kém hơn người khác xuất phát từ việc chúng ta không hiểu chính mình để rồi cứ phải nhìn vào người khác mà sống hay không? Và có phải việc không hiểu chính mình phần nào xuất phát từ tổn thương của đứa trẻ bên trong chúng ta khi không có được sự tự do trong việc khám phá bản thân?

Khi bước vào giai đoạn thiếu niên và khi mà những cuộc nói chuyện giữa ta và bố mẹ đã vắng mặt “con nhà người ta” thì chúng ta lại chủ động tìm thấy trên mạng xã hội những đối tượng khác khủng bố tinh thần - xinh đẹp và tài giỏi hơn mình. Việc thường xuyên so sánh thực lực của bản thân với người khác cũng có liên quan đến việc người này thường xây dựng ước mơ, giá trị và nhân dạng của bản thân dựa trên những điều xã hội cho là đáng khao khát thay vì tự xây dựng giá trị cá nhân. Việc so sánh thực lực của bản thân với người khác thường dẫn đến việc đánh mất sự độc lập cá nhân và điều này sẽ để lại những hệ quả tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu và stress.

Tất cả chúng ta đều là những người trẻ đang chật vật tìm kiếm danh tính của mình trong đời. Mỗi chúng ta đều sống theo một chiếc đồng hồ vũ trụ khác biệt và thời điểm hoa nở trên hành tinh của mỗi người không giống nhau, những loài hoa chúng ta ươm trồng trên vùng đất của mình cũng sẽ là những loài hoa độc nhất. Vậy nên miễn là bạn đang cố gắng hết sức chăm sóc cho vùng đất của mình, hãy tin vào thời gian của vũ trụ, phần thưởng của bạn sẽ đến vào thời điểm thích hợp nhất.

Cuối cùng, áp lực đồng trang lứa - khi tần suất không quá lớn - thì không hoàn toàn xấu. Chính áp lực là động lực để con người vươn lên, làm được những điều phi thường và đào luyện được tính nghiêm khắc, kỷ luật với bản thân. Vì vậy, việc nhìn nhận đúng đắn và thấu hiểu về loại áp lực này trở nên một lối nghĩ quan trọng, và có thể chỉ qua việc tìm hiểu một thuật ngữ tâm lý học nho nhỏ, ta sẽ mở ra những suy tư lớn hơn, cẩn trọng hơn về ý nghĩa cuộc sống của mình cũng như của những người thân yêu xung quanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm