Từ số vốn 350 triệu đồng
Với “vốn liếng” là kiến thức nghiên cứu về nấm linh chi trong suốt những năm học đại học, Ân nghĩ đến rượu nấm linh chi vừa đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, vừa đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nghĩ là làm, cô gái trẻ kiên trì bám trụ vùng đất Ninh Gia, Đức Trọng, ban ngày làm chuyên viên sản xuất tại công ty VinEco, ban đêm lại cùng cộng sự miệt mài ngâm, ủ, đưa ra sản phẩm thử nghiệm. Đến tháng 5/2018, sản phẩm được hoàn thiện và Phạm Thị Ân mạnh dạn tung ra thị trường rượu nấm linh chi mang thương hiệu Gaco, nhận được phản hồi tốt từ khách hàng.
Hiện tại, công ty TNHH Hồng Ân có 18 nhân viên và cô gái 25 tuổi Phạm Thị Ân là giám đốc. Tháng 3/2019, Ân đưa sản phẩm của mình tiếp cận 2 thị trường mới là Đà Nẵng và Quảng Nam, bên cạnh những thị trường đã được xây dựng trước đó là Nha Trang, Hà Nội, Đắk Lắk và TPHCM. Với số vốn 350 triệu đồng ban đầu, doanh thu mà Ân đạt được từ tháng 5/2018 đến cuối năm đã đạt trên 1 tỷ đồng. Đó là thành công bước đầu, nhưng chưa phải là tất cả, bởi theo Ân: “Em muốn đi một con đường dài, nên phải đi chậm mà chắc. Em phải đặt mục tiêu cho từng giai đoạn, mà trước mắt là tập trung phát triển tại thị trường miền Trung”.
Để học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia và các startup khác, Ân thường xuyên đưa sản phẩm của mình đến với các cuộc thi khởi nghiệp, chợ phiên và ngày hội khởi nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tham gia Diễn đàn kết nối doanh nghiệp và ý tưởng khởi nghiệp Lâm Đồng. Cuối tháng 11/2018, dự án khởi nghiệp rượu nấm Linh Chi Gaco được lựa chọn là 1 trong 100 ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 của Tỉnh đoàn Lâm Đồng, lọt vào top 17 dự án nhận được sự hỗ trợ từ Đề án 740 ( Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 của UBND tỉnh).
Hiện tại, Ân đang phát triển thêm sản phẩm bonsai nấm linh chi. Khởi nghiệp khi còn là một cô gái còn rất trẻ với những khó khăn, Ân tự nhận thấy mình trưởng thành, chín chắn hơn rất nhiều so với những ngày đầu. “Đó là sự rèn luyện của quá trình khởi nghiệp”, Ân khẳng định. Khó khăn và gian nan thì vẫn còn đó, nhưng với quyết tâm, bản lĩnh và cả sự học hỏi không ngừng, Phạm Thị Ân vẫn đang từng ngày hoàn thiện mục tiêu và giấc mơ của mình.
Vấp ngã đầu đời khó quên
Không có sự bắt đầu nào là dễ dàng, trước khi gặt hái được những thành công như ngày hôm nay, Phạm Thị Ân từng có thời gian khủng hoảng nặng khi thất bại với dự án khởi nghiệp “Thuốc trừ sâu thảo dược”.
Cô cho biết, từ lúc đang là sinh viên Khoa Bảo vệ thực vật, Trường ĐH Nông lâm Huế, Phạm Thị Ân đã được cộng đồng khởi nghiệp ở Huế biết đến khi đoạt giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế năm 2016” với đề tài “Thuốc trừ sâu thảo dược”.
Với nguyên liệu chính là ớt, tỏi, gừng, riềng và rượu được xay, giã nát và pha chế với tỷ lệ phù hợp, đề tài của Ân được Ban giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng, nguyên liệu dễ mua, thân thiện với môi trường và quan trọng hơn nữa là khả năng chuyển giao công nghệ, nếu nông dân chịu khó học hỏi cũng có thể tự sản xuất.
Tháng 12/2016, Công ty Cổ phần Ứng dụng Nông nghiệp sạch Hồng Ân ra đời ngay khi Ân tốt nghiệp ĐH với những non nớt và nhiều bỡ ngỡ. “Lúc đó, em cũng sợ nhưng nghĩ kiến thức được học không chỉ để làm thuê, mà có thể vận dụng tự làm ra sản phẩm của chính mình, tạo được việc làm cho người khác. Nếu không thử, chắc chắn không có thành công” - Phạm Thị Ân chia sẻ.
Mặc dù cố gắng nhiều, nhưng dự án của Phạm Thị Ân vẫn chịu thất bại khi số lượng khách hàng tiếp cận không như mong đợi và sản phẩm chưa thật sự phù hợp với nền nông nghiệp ở các địa bàn đã áp dụng. Ân buộc phải dừng dự án thuốc trừ sâu thảo dược, để bắt đầu với dự án rượu nấm linh chi như bây giờ.
“Đã có lúc em áp lực vì những vấn đề không giải quyết được, cũng có những đêm em khóc một mình vì mệt mỏi và tủi thân, nhưng sáng mai ngủ dậy là phải lấy lại tinh thần để tiếp tục cố gắng. Đã khởi nghiệp thì không được để mình buồn lâu, thay vào đó, em đọc thêm sách, tham gia thêm nhiều khóa học, học hỏi thêm từ nhiều anh chị khởi nghiệp đi trước để bổ sung những điều mình còn thiếu sót”, Phạm Thị Ân chia sẻ về bí quyết vượt qua thất bại. |