pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bà ngoại lên thực đơn cho cháu gái cả tháng không trùng
Mỗi giai đoạn, trẻ lại cần được bổ sung lượng dinh dưỡng khác nhau để phục vụ cho sự phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ. Một trong những điều quan trọng nhất chính là thực đơn hàng ngày của bé, làm sao để bé ăn ngon, khỏe mạnh, thích ăn uống là điều mà nhiều bố mẹ quan tâm. Không ít gia đình lo lắng vì sao con mình không hứng thú với các món ăn thì có thể tham khảo phương pháp mà chị Hằng (U50) nấu nướng cho cháu gái mình là bé Khả Hân (biệt danh Tép 2,5 tuổi).
Bé Tép vừa đi học được khoảng 2 tuần. Hàng ngày, chị Hằng có thói quen dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn sáng cho 2 bà cháu trong khi bố mẹ Tép đi làm. Thời gian chuẩn bị đồ ăn đến lúc hoàn thành là kịp lúc bé Tép thức. Trộm vía bé Tép ăn, ngủ giỏi, nên việc chăm sóc cũng đỡ phần vất vả hơn.
''Mình thích nấu ăn cho những người mình thương yêu lắm! Hầu như mỗi khi vào bếp là mình thường đặt tâm vào nấu một bữa ăn thật ngon cho con, cho cháu, và đó cũng là niềm vui và hạnh phúc của mình'', chị Hằng tâm sự.
Món ăn màu sắc và hấp dẫn.
Nhìn thực đơn đa dạng, phong phú lại vô cùng ngon mắt của bé Tép, ai cũng khen ''mẹ ngoại'' quá giỏi giang và kì công chuẩn bị bữa ăn cho cháu. Có bà ngoại thế này thì Tép chắc chắn là rất hạnh phúc rồi. Cô bé ăn rất ngoan, hết suất bà nấu mà lúc nào cũng vui vẻ khi ăn.
Chia sẻ về cách nấu các món ăn cho bé, chị Hằng cho biết: ''Ý tưởng thì có nhiều nguồn, ví dụ mình tự nghĩ ra như hoa lá cây cỏ hoặc tìm ý tưởng trên mạng rồi làm theo. Ý tưởng đã có sẵn rồi thì chỉ cần thực hiện bằng các thức ăn đã nấu thôi, rất nhanh, cả nấu và trang trí bữa ăn sẽ được hoàn thành từ 30-45 phút tùy vào mức độ khó của thức ăn (có loại cần nấu lâu, có loại nấu nhanh).
Mỗi món ăn lại được bài trí rất đẹp mắt, thu hút trẻ nhỏ.
Về thói quen ăn uống thì mình đã rèn từ khi bé được 12 tháng tuổi, mình sẽ giới thiệu cho bé trong khay cơm có món gì, đây là con gì, hoa gì... trang trí như thế nào thì giới thiệu cho bé theo chủ đề như thế đó. Thường thì bé sẽ ăn hết cơm vì khẩu phần mỗi bữa ăn đã được cân trước khi trang trí, để đảm bảo bé ăn đủ các nhóm chất (đạm, tinh bột, rau củ, chất béo, trái cây)'', chị Hằng chia sẻ.
Kể cả khi bé Tép đã đi lớp thì bữa sáng và bữa tối vẫn được bà ngoại chuẩn bị cẩn thận và chu đáo. Thực đơn của bé cũng thay đổi theo thực đơn của trường để tránh bị trùng món và để bé không bị ngán. Bà ngoại của Tép cũng lưu tâm đến việc hôm đó ở trường bé ăn có giỏi không để nấu món bổ dưỡng hơn cho bé bù lại.
Đĩa cơm nhìn ngon và khẩu phần vừa đủ cho bé. Đồ ăn chị Hằng thường mua tươi về làm sạch, phân thành từng phần nhỏ rồi trữ đông bằng hộp trữ thức ăn. Bé nên được ăn đa dạng thực phẩm, để biết được bé thích và không thích món nào rồi kết hợp với nhau: ''Ví dụ những món bé không thích sẽ đi kèm với những món bé thích, vì nếu khay cơm chỉ toàn món bé không thích thì bé không ăn cữ đó. Và ngược lại, nếu chỉ toàn món bé thích thì các món bé không thích dần dần sẽ không biết ăn luôn''.
Ngoài ra, chị Hằng chia sẻ bí quyết để bé ăn cơm luôn cảm thấy ngon miệng: ''Bé vẫn được ăn vặt, ăn các loại topping: mận đen nghiền, sữa chua, pudding,... Bí quyết cho bé ngon miệng là nấu đồ ăn đừng để bị dai và cứng, bé nhai khó lâu dần bé sẽ không còn thích món đó nữa. Bé khó ăn thì có thể thêm những món bé yêu thích (như các loại đồ ăn vặt, với lượng ít). Bé nhỏ nên nấu nhạt, tránh nêm đậm hoặc ngọt cho bé, vì nếu vừa miệng người lớn thì đối với các bé sẽ rất đậm vị. Đa dạng thực phẩm cho bé, hạn chế trùng lặp món ăn. Ăn đủ lượng theo đúng số tuổi của bé như các chuyên gia dinh dưỡng khuyên''.
Các món ăn trông rất xinh xắn, đủ dinh dưỡng.
Quả thực, ''mẹ ngoại'' quá tâm huyết trong việc nấu đồ ăn cho cháu nên bé Tép ăn uống rất ngon, món nào cũng đã thử qua và luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi ăn. ''Mong rằng một phần nhỏ tuổi thơ của cháu ngoại là những ngày được ngắm nghía và thưởng thức các khay cơm hoa hòe mà ngoại làm ra. Các khay cơm này là những chuỗi ngày an nhiên của ngoại gắn liền với căn bếp thân quen sáng sáng chiều chiều, là những khi mày mò tạo ra khay cơm mang sắc màu tuổi thơ từ sự yêu thương của ngoại dành cho bé'', chị Hằng trải lòng.
Nhìn đĩa cơm đến người lớn còn mê.
Luôn có đầy đủ món ăn lẫn hoa quả trong khay cơm.
Tép hào hứng với món ăn bà làm.